Về vụ “kỳ án 39 năm không tìm ra hung thủ” ở Bình Thuận, mới đây, Văn phòng Chủ tịch nước đã có thông báo ý kiến của Chủ tịch nước gửi đến bộ trưởng Bộ Công an và viện trưởng Viện KSND tối cao đề nghị báo cáo.
Liên quan đến kỳ án này, luật sư Phan Trung Hoài, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại, đã gửi nhiều đơn thư khiếu nại tới các cơ quan tư pháp trung ương và Bình Thuận đề nghị xem xét lại kết luận của Công an tỉnh Bình Thuận.
Bộ trưởng Công an và viện trưởng Viện KSND tối cao báo cáo
Ngày 30-7, Văn phòng Chủ tịch nước đã có văn bản gửi bộ trưởng Bộ Công an và viện trưởng Viện KSND tối cao, đề nghị lãnh đạo 2 cơ quan này cùng xem xét lại cụ thể vụ việc theo đúng quy định pháp luật và báo cáo kết quả cho Chủ tịch nước được biết.
Trong thông báo của Văn phòng Chủ tịch nước có nêu việc Chủ tịch nước nhận được văn bản của văn phòng luật sư Phan Trung Hoài, kiến nghị khẩn cấp về việc các cơ quan tư pháp cần làm rõ việc đình chỉ điều tra vụ án với lý do hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự không đúng pháp luật.
Trong đơn gửi các cơ quan liên quan, luật sư Phan Trung Hoài đã nêu ra các căn cứ để khẳng định việc Công an tỉnh Bình Thuận ra quyết định đình chỉ điều tra ngay sau khi phục hồi điều tra vụ án là không đúng quy định.
Việc không xử lý triệt để vụ án, không xử lý các vấn đề liên quan đến quyền lợi của gia đình nạn nhân, dẫn đến bức xúc và uất ức cho gia đình nạn nhân. Việc Công an tỉnh Bình Thuận tha bổng cho hung thủ giết người khiến cho con ruột của nạn nhân dành cả tuổi trẻ để truy tìm hung thủ trở nên vô nghĩa.
Gửi đơn nhiều nơi nhưng Bình Thuận không phản hồi
Trước đó, ngay sau khi Công an tỉnh Bình Thuận ban hành kết luận điều tra và ra thông báo cho gia đình người bị hại về việc đình chỉ điều tra vụ án, không buộc bất kể trách nhiệm nào của hung thủ đối với gia đình nạn nhân, kể cả việc thu hồi vật chứng vụ án cũng như bồi thường thiệt hại trong vụ giết người, luật sư Phan Trung Hoài và con trai nạn nhân đã gửi đơn khiếu nại đến Công an tỉnh Bình Thuận.
Tuy nhiên, tất cả các vấn đề mà gia đình nạn nhân nêu ra chỉ được Công an tỉnh Bình Thuận trả lời bằng văn bản có nội dung: Các quyết định được ban hành đúng pháp luật.
Luật sư Hoài tiếp tục gửi đơn đến Bộ Công an, viện trưởng Viện KSND tối cao, trưởng Ban Nội chính Trung ương… Các cơ quan này đều có văn bản phản hồi cho luật sư rằng đã chuyển đơn của luật sư về Công an tỉnh Bình Thuận, Viện KSND tỉnh Bình Thuận để các cơ quan này giải quyết theo thẩm quyền.
Dù đơn đã được chuyển đi nhiều tháng, luật sư cũng không nhận thêm bất cứ phản hồi nào của Công an và Viện KSND tỉnh Bình Thuận đối với các nội dung khiếu nại mà luật sư đã nêu ra.
Đình chỉ điều tra sau khi tìm ra hung thủ
Năm 1980, tại thôn 3, xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Thuận Hải (nay là xã Tân Phúc, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) xảy ra vụ án giết bà Phan Thị Khanh để cướp vàng.
Sau đó, Công an Hàm Tân đã bắt ông Võ Tê, một người dân địa phương có làm nghề thuốc nam. Tuy nhiên dư luận địa phương cho rằng hung thủ giết bà Khanh chính là Trương Đình Khôi nên đã làm đơn tố cáo.
Sau khi giam ông Tê 5 tháng, Công an Thuận Hải (nay là Bình Thuận) thả ông Võ Tê vì không đủ căn cứ kết tội.
Đến năm 1986, anh Đỗ Thanh An, con ruột bà Phan Thị Khanh, bắt đầu hành trình truy tìm hung thủ và tố cáo đến Công an tỉnh Bình Thuận. Nhưng suốt mấy chục năm, Trương Đình Khôi thay tên đổi họ thành tên khác là Lê Minh Sơn và thay đổi chỗ ở qua nhiều tỉnh thành. Phải đến năm 2021, Bộ Công an mới lần ra dấu vết người này và ra kết luận điều tra vụ án.
Cho rằng hết thời hiệu, Công an tỉnh Bình Thuận đã đình chỉ điều tra và không truy cứu trách nhiệm hình sự của hung thủ giết người. Cơ quan này cũng không thu hồi vật chứng vụ án để hoàn trả cho gia đình bị hại, mà cho rằng gia đình nạn nhân tự kiện ra tòa để đòi.
Theo Tuoitre