TP HCM: Thí điểm nới lỏng giãn cách xã hội 2 quận, huyện để nhân rộng

63
Chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại cầu Kênh Tẻ, quận 7, TP HCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

TP HCM đang có kế hoạch để quận 7 và huyện Củ Chi thí điểm nới lỏng, trở lại trạng thái bình thường mới, từ đó rút kinh nghiệm nhân rộng ra toàn thành phố

Ngày 5-9, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên và lãnh đạo thành phố đã làm việc với Ban Thường vụ Quận ủy quận 7 để đánh giá về những kết quả nổi bật từ ngày 15-8 đến nay và các giải pháp trọng tâm trong phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Bổ sung chiến lược ứng phó dịch Covid-19

Theo UBND quận 7, số bệnh nhân Covid-19 (F0) quận đang quản lý là 5.902 người. Số ca mắc mới đang giảm mạnh, trung bình giảm 55 ca/ngày. Quận 7 đã tiến hành 2 đợt xét nghiệm, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.

Trước đây, mỗi ngày quận 7 ghi nhận 10-12 ca Covid-19 tử vong. Đến cuối tháng 8-2021, số ca tử vong giảm còn 2-3 người/ngày. Trong các ngày 2, 3 và 4-9, quận chỉ ghi nhận 1 người tử vong. Tổng số người ở quận 7 đã được tiêm vắc-xin mũi 1 tính đến ngày 4-9 là hơn 236.000, đạt tỉ lệ hơn 97%; số người tiêm 2 mũi là 22.700 (9,5%). Hiện “vùng xanh” và “vùng vàng” ở quận 7 không có F0. Quận đã giải tỏa 10 điểm phong tỏa còn lại với hơn 1.961 hộ và 5.446 nhân khẩu. Đến nay, quận 7 không còn điểm phong tỏa về y tế, tỉ lệ “vùng xanh” tăng lên.

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên nhận định kết quả kiểm soát dịch Covid-19 ở quận 7 góp phần quan trọng để thành phố nghiên cứu kinh nghiệm, bổ sung cho chiến lược ứng phó với dịch bệnh trong giai đoạn tới.

“Nghị quyết 86 đã giao trọng trách cho chúng ta là phấn đấu kiểm soát dịch bệnh trước ngày 15-9. Sứ mạng của chúng ta không dừng lại ở đó mà chúng ta kiểm soát rồi và tiếp tục sống như thế nào để tạo được hành lang, điều kiện bình thường mới. Đây là câu hỏi đặt ra mà thành phố đang tổ chức chỉ đạo triển khai” – Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Một trong những giải pháp quan trọng là đề xuất Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM, Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM chọn quận 7 và huyện Củ Chi làm thí điểm, tiên phong, rút kinh nghiệm cho bước tiếp theo của thành phố.

Bí thư Nguyễn Văn Nên đề nghị quận 7 tiếp tục thực hiện nghiêm những việc đang làm. Thực hiện xét nghiệm đúng kế hoạch đề ra, quản lý F0, thu dung điều trị và tiêm vắc-xin. Tiếp tục thực hiện vấn đề an sinh xã hội, không để sót trường hợp khó khăn nào.

Mở cửa nền kinh tế từng bước, chậm và chắc

Cùng ngày, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã trao đổi với báo chí về một số ý tưởng cho phương án bình thường mới, sống trong điều kiện có dịch Covid-19.

TP HCM đang tính giao quận 7 và huyện Củ Chi làm thí điểm trước khi nhân rộng bởi công tác chống dịch vừa qua chưa có tiền lệ, chưa có bài học nào, khi tình huống diễn ra buộc thành phố phải ứng phó.

Ông Nguyễn Văn Nên cho rằng không thể thực hiện giãn cách triệt để nghiêm ngặt mãi; không thể quét sạch F0 ra khỏi cộng đồng khi dịch bệnh đã lan rộng và ngấm sâu. Nói sống trong điều kiện mới là sống trong điều kiện có virus SARS-CoV-2 chủng Delta. Lấy câu chuyện “sống chung với lũ” làm ví dụ, ông Nên cho rằng “sống chung với lũ” thì cần phải đôn nhà lên cao, có ghe xuồng, quan trọng là phải biết bơi, có áo phao. Còn “sống chung với SARS-CoV-2” thì phải có vắc-xin, thuốc, có kiến thức chăm sóc sức khỏe để bảo vệ bản thân, cùng với đó là củng cố hệ thống y tế đủ mạnh. Khi bảo đảm những điều kiện này thì mới có thể sống chung với dịch để sản xuất – kinh doanh.

TP HCM đang giao cho các cá nhân, tổ chức, trong đó có đội ngũ nhà khoa học, thầy thuốc, nhà nghiên cứu xã hội học…, nghiên cứu các vấn đề liên quan. Việc mở cửa nền kinh tế sẽ thực hiện từng bước, chậm và chắc, mở tới đâu chắc tới đó. Bởi nếu không quản lý được thì sẽ lây nhiễm trở lại, lúc đó TP HCM sẽ không còn đủ sức để chống chọi với dịch bệnh. Với đặc thù là thành phố dịch vụ, việc đóng cửa dù ở mức nhỏ cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến cả chuỗi cung ứng.

Về việc giãn dân, Bí thư Thành ủy cho biết quận 7 đề xuất việc tạm di chuyển chỗ ở đối với người ở nơi đông đúc, chật chội để phòng chống dịch. Nhưng sẽ di chuyển người dân đi đâu? Đây là điều cực kỳ khó khăn.

“Có người hỏi tôi khi kiểm soát được dịch bệnh thì điều đầu tiên làm là gì? Tôi trả lời là xây nhà ở xã hội. TP HCM có đất, có chính sách và sẽ kêu gọi các doanh nghiệp tham gia để cùng thành phố giải quyết sớm nhu cầu này” – Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Chưa hề có quyết định “sống chung với Covid-19 từ 15-9”

Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về phòng chống dịch Covid-19 tại TP HCM chiều 5-9, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, cho biết đến ngày 4-9, đa số địa phương đã thực hiện xong xét nghiệm đợt 1 ở cả 5 vùng (xanh, cận xanh, vàng, cam, đỏ). Đến nay, 22 địa phương đã đạt tiến độ trên 80% xét nghiệm đợt 2. Dự kiến ngày 6-9, tất cả địa phương tiến hành xong đợt 2.

Dựa trên số liệu sơ bộ, tỉ lệ dương tính ở “vùng xanh” và “cận xanh” là 0,8%; “vùng vàng” là 1,5%; “vùng cam” và “vùng đỏ” có tỉ lệ đợt 1 là 3,6%, đợt 2 là 2,7%. Như vậy, tỉ lệ dương tính ở “vùng cam” và “vùng đỏ” có giảm nhưng chưa đạt như kỳ vọng.

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương

TP HCM Nguyễn Nguyên Phương, sở đã chuẩn bị tổ chức lại điểm trung chuyển hàng hóa tại chợ đầu mối Bình Điền từ ngày 7-9. Đây là một trong số các phương án được triển khai lần lượt nhằm bảo đảm cung ứng hàng hóa cho người dân sau ngày 15-9.

Về việc cấp giấy đi đường cho người dân sau ngày 6-9, thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu – Công an TP HCM, cho hay sẽ không cấp mới để tránh gây rắc rối cho các cơ quan, đơn vị đang sử dụng giấy đi đường hiện nay.

Bên cạnh đó, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM, khẳng định những thông tin TP HCM bắt đầu thực hiện sống chung với Covid-19 từ ngày 15-9; chuyển sang điều trị Covid-19 có thu phí, ai tiêm 2 mũi vắc-xin sẽ được hoạt động sau ngày 6-9 hoặc 15-9… là sai sự thật. Ông Hải mong người dân bình tĩnh, chờ những quy định được ban hành từ UBND TP HCM.

Ng.Thuận

Trường Hoàng

Theo NLĐ