Vụ phá rừng quy mô lớn vừa được phát hiện tại tỉnh Bình Định: Hơn 43,7ha rừng bị lâm tặc tàn phá và tẩu tán gần như toàn bộ gỗ chỉ trong vài ngày.
Lâm tặc mở đường phá rừng
Trung tuần tháng Chín, PV báo Người Đưa Tin theo chân lực lượng chức năng tiếp cận hiện trường vụ phá rừng quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Bình Định. Khu vực rừng bị lâm tặc càn quét cách trung tâm TP.Quy Nhơn khoảng 120km, thuộc khoảnh rừng số 7, số 8, tiểu vùng 1 (xã An Hưng, huyện An Lão, tỉnh Bình Định). Đây là vùng giáp ranh giữa 3 huyện An Lão, Hoài Nhơn của tỉnh Bình Định và huyện Ba Tơ của tỉnh Quảng Ngãi.
Để đến khu vực rừng bị tàn phá, hướng đi “gần” từ huyện An Lão lại rất gian nan. Muốn đến, phải mất 5-6 tiếng đồng hồ đi bộ xuyên rừng, theo chặng đường dốc hiểm trở mới đến được. Hướng đi khả dĩ nhất là từ xã Hoài Sơn (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) bằng đường độc đạo do lâm tặc… mở.
“Con đường lâm tặc” lởm chởm đá, giăng bẫy người đi bằng vô số ổ gà, ổ voi. Dù đi bằng xe đặc dụng được điều khiển bởi những tay lái “có hạng” của lực lượng kiểm lâm, khi đến nơi, cả đoàn công tác vẫn một phen toát mồ hôi.
Ngay lối vào khu vực rừng bị chặt hạ, nhóm lâm tặc đã dựng lên một rào chắn khá kiên cố. Lực lượng kiểm lâm phải dùng búa và rìu để phá khóa, mở đường cho xe vào.
Tại hiện trường, đập vào mắt phóng viên là rất nhiều gốc cây gỗ lớn bị cưa sát. Hầu hết cây gỗ lớn bị đốn hạ đã được vận chuyển đi nơi khác. Số còn lại chỉ là thân gỗ nhỏ, đường kính từ 10-30cm được cắt ngọn nằm la liệt khắp các quả đồi.
Đám thực bì bị đốt cháy, đám cây bụi được phát quang; ba bốn quả đồi nằm gối đầu nhau trở nên trống trải, nham nhở như vừa mới trải qua một trận cháy rừng khủng khiếp.
Lực lượng kiểm lâm cho biết, lâm tặc đã tàn phá rừng tại 3 địa điểm của Tiểu khu 1. Địa điểm thứ nhất, thuộc khoảnh 7, là khu vực quy hoạch rừng chức năng phòng hộ được phục hồi sau nương rẫy bị phá khoảng 13,2 ha.
Tại đây, cây rừng và thực bì bị chặt phá hoàn toàn, còn nằm nguyên tại hiện trường. Cây gỗ bị chặt hạ bằng cưa máy có đường kính tại vị trí mặt cắt từ 10 – 30cm, thân gỗ dài 8-11m.
Tại địa điểm thứ hai, thuộc khoảnh 8, với diện tích 17,4ha, cây rừng và thực bì cũng bị chặt phá hoàn toàn, vẫn nằm nguyên tại hiện trường. Cây gỗ bị chặt hạ có đường kính tại vị trí mặt cắt từ 10cm đến 35cm, thân gỗ dài 8-12m.
Địa điểm thứ ba, cũng thuộc khoảnh 8, có diện tích rừng bị phá 13,1ha. Tại đây, cây rừng, thực bì bị chặt phá hoàn toàn và đã bị đốt cháy. Cây gỗ bị chặt hạ có đường kính tại vị trí mặt cắt từ 10- 35cm, thân gỗ dài 8- 10m; một số thân cây gỗ được cưa thành khúc, gom lại thành cụm nhỏ chờ vận chuyển đi tiêu thụ. Đặc biệt, chỉ hơn 1 tuần trước đó, lâm tặc đã dùng xe cơ giới mở đường dài khoảng 500m và… trồng 7ha cây keo lai trên diện tích rừng bị phá.
Ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện An Lão cho biết: “Vụ việc được phát hiện vào ngày 3/9. Theo thống kê ban đầu, trong 43,7ha rừng phục hồi sau nương rẫy bị hủy hoại, có 30,5ha rừng tự nhiên quy hoạch chức năng sản xuất và 13,2ha rừng quy hoạch chức năng phòng hộ. Nhiều cây bị triệt hạ cao 8-12m, đường kính vị trí mặt cắt từ 10-35cm”.
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc sở NN&PTNT Bình Định trao đổi nhanh tại hiện trường: “Đây là vụ phá rừng rất nghiêm trọng và có quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Bình Định. Sở đã yêu cầu hạt Kiểm lâm huyện Hoài Nhơn phối hợp với kiểm lâm An Lão tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng khu vực giáp ranh, chủ động ngăn chặn nguy cơ tương tự có thể tái diễn”.
Do địa bàn hẻo lánh, lực lượng mỏng?
Lý giải vì sao để lâm tặc “qua mắt”, ông Đoàn Văn Tá, Hạt trưởng hạt Kiểm lâm An Lão nói: “Khu vực rừng bị tàn phá thuộc xã An Hưng của huyện An Lão. Nhưng nếu tiếp cận từ hướng An Lão thì sẽ phải mất nửa ngày leo núi mới tới nơi, rất khó khăn, nguy hiểm.
Còn nếu đi từ phía xã Hoài Sơn của huyện Hoài Nhơn thì gần hơn nhưng đường đi cũng rất hiểm trở, chỉ có xe chuyên dụng mới vào được”.
“Dù đi lại có khó khăn, nhưng để xảy ra vụ việc phá rừng nghiêm trọng trong địa bàn mình quản lý, trách nhiệm trước hết thuộc về hạt Kiểm lâm An Lão và lực lượng kiểm lâm địa bàn. Các anh em cũng đi tuần, nhưng đi phía bên An Lão, tới đỉnh núi nhìn qua.
Phía bên này lại khuất, nên không phát hiện được. Để vụ việc này xảy ra trong thời gian dài, là do lỗi của kiểm lâm địa bàn đã chủ quan, đi không tới nơi. Chúng tôi cũng xin nhận trách nhiệm về vụ việc này. Đây là một bài học lớn đối với kiểm lâm An Lão.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường cung cấp chứng cứ cho các cơ quan điều tra, đồng thời đẩy mạnh phối hợp với hạt Kiểm lâm Hoài Nhơn để chốt chặn khu vực này”, ông Tá nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Tấn, Hạt trưởng Kiểm lâm Hoài Nhơn lại kêu khó: “Rừng thì của An Lão, anh em bên này không thông thuộc đường đi, lối lại”.
Thực tế để vào khu vực rừng của An Lão, lâm tặc đã chọn mở đường đi từ phía xã Hoài Sơn (huyện Hoài Nhơn). Con đường duy nhất dẫn vào khu vực này phải đi qua một trạm chốt chặn tại xã Hoài Sơn của hạt Kiểm lâm Hoài Nhơn.
Tất cả ôtô, xe máy ra vào khu vực đều phải đi qua chốt này. Vậy câu hỏi đặt ra là một lượng lớn người, xe cộ, dụng cụ, cây keo giống đã đi qua chốt chặn này như thế nào? Có hay không lỗ hổng trong việc bảo vệ rừng của hạt Kiểm lâm Hoài Nhơn và hạt Kiểm lâm An Lão?
Trả lời câu hỏi trên, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc sở NN&PTNT Bình Định cho biết: “Đây là địa bàn vùng sâu, xa, rất khó khăn cho lực lượng kiểm lâm trong công tác kiểm tra, quản lý. Lực lượng kiểm lâm của các hạt quá mỏng. Không đủ lực lượng nên không thể kiểm tra giám sát chặt chẽ.
Cách đây khoảng 2 tháng, anh em mới cắm mốc địa bàn, nhưng chưa phát hiện vi phạm. Hiện, chúng tôi đã nhận được sự cam kết của Công an tỉnh Bình Định về việc hỗ trợ tối đa lực lượng và phương tiện nhằm sớm điều tra thủ phạm vụ phá rừng và xử lý nghiêm”.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện An Lão, Phạm Văn Nam cho biết:
“Nhận thấy vụ việc quá nghiêm trọng, huyện đã chỉ đạo hạt Kiểm lâm huyện xác lập hồ sơ đưa vào tin báo tội phạm, đồng thời phối hợp với Công an huyện An Lão khám nghiệm hiện trường, trưng cầu giám định thiệt hại rừng, sớm khởi tố vụ án.
Tiếp đó, UBND huyện báo cáo Huyện ủy; trước mắt yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể lãnh đạo hạt Kiểm lâm, Đảng ủy, UBND xã An Hưng, cá nhân Hạt trưởng kiểm lâm, kiểm lâm địa bàn, bí thư, chủ tịch UBND xã”.
“Là người đứng đầu địa phương, tôi xin nhận trách nhiệm khi để xảy ra vụ việc. Lực lượng chức năng huyện An Lão đang tiếp tục khẩn trương điều tra, làm rõ, tích cực phối hợp với công an tỉnh để kiên quyết đưa đối tượng tổ chức, trực tiếp phá rừng ra trước pháp luật”, ông Nam khẳng định.
Thủ tướng yêu cầu điều tra, làm rõ vụ phá rừng An Lão
Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã phát hành Văn bản hỏa tốc số 9589/VPCP-NN về việc xử lý vấn đề báo chí thông tin vụ phá rừng tự nhiên tại huyện An Lão (tỉnh Bình Định). Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ những vụ việc phá rừng tự nhiên trên địa bàn xã An Hưng (huyện An Lão) như thông tin báo chí phản ánh; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 30/10.
Theo Nguoiduatin.vn