6 thành viên gia đình chị Nguyễn Thị Điệp thấp thỏm chờ đợi giây phút trở về nhà ở thành phố Thủ Đức (TPHCM), sau 2 tuần điều trị Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 6.
Gia đình 3 thế hệ cùng xuất viện
Chờ xe đón suốt cả buổi chiều, 6 thành viên gia đình chị Nguyễn Thị Điệp thấp thỏm chờ đợi giây phút trở về nhà ở TP Thủ Đức. Chị Điệp cùng mẹ và 4 con trải qua hơn 2 tuần điều trị ở Bệnh viện dã chiến số 6 thu dung, điều trị F0.
“Cả nhà tôi 7 người, chỉ có mỗi ông xã may mắn âm tính”, chị Điệp kể.
Ngày vào viện, chị Điệp lo lắng nhất cho mẹ khi bà năm nay đã 85 tuổi, lại có bệnh nền huyết áp, tim mạch. Dành nhiều thời gian tìm hiểu về virus, chị lại càng lo, nhưng may mắn bà chỉ có triệu chứng nhẹ.
4 đứa con của chị cũng xuất hiện ít triệu chứng. Nhưng chị Điệp lại là người bệnh nặng nhất trong nhà, ho, sốt, có lúc khó thở, không buồn ăn uống. Sau tuần đầu ở bệnh viện, các con và mẹ âm tính, riêng chị vẫn dương tính và là người khỏi bệnh cuối cùng.
“Lúc đó mệt mỏi lắm nhưng khi nhìn sang chung cư đối diện thấy trong phòng cấp cứu, mọi người phải thở oxy nên tôi tự nhủ phải cố gắng, giữ tinh thần lạc quan. Dù ăn không nổi vẫn phải cố ăn, thuốc không được bỏ cữ nào”, chị Điệp nhớ lại quá trình điều trị.
Chị còn động viên chồng đừng quá lo lắng cho gia đình, nếu có điều kiện hãy giúp đỡ những người khó khăn hơn. Ở bên ngoài, chồng chị Điệp vận động đồng nghiệp, người quen đóng góp thiện nguyện hàng trăm triệu đồng, mua thực phẩm gửi đến nhiều nơi ở TPHCM, Bình Dương.
“Vừa làm việc, vừa lo chuyện quyên góp nên gọi video thấy anh mệt mỏi lắm. Trong này mình mệt đã có bác sĩ lo, còn anh thì lo cho những người khó hơn. Anh giúp người cũng chính là giúp mình”, chị Điệp chia sẻ.
Hai con gái lớn của chị tranh thủ nhắn tin cho bạn bè, còn con gái 9 tuổi và bé trai 4 tuổi tự chơi đùa cùng nhau trong lúc đợi xe.
“Ở đây con thấy thoải mái. Bác sĩ hay hỏi em bé ăn được không để xin thêm cháo đem lên. Ba hay gọi điện kêu thiếu gì để gửi vô. Con nhớ nhà, nhớ ba lắm”, bé Bảo Thơ, con gái chị Điệp, tâm sự.
Chuyến xe đưa 6 thành viên gia đình chị Điệp về nhà khi đã gần 19h. Chị cùng mọi người bắt đầu quãng thời gian tự dõi sức khỏe.
Đêm mất ngủ
“Sau 18h xe taxi có được chạy nữa không anh?”, chị Hiền Trâm (TP Thủ Đức, TPHCM) vừa nhìn đồng hồ, vừa gọi điện liên tục để đặt xe, vừa hỏi những người xung quanh đứng dưới sân Bệnh viện dã chiến số 6 thu dung, điều trị F0. Chưa từng có chuyến xe nào khiến chị nôn nao như hôm nay – chuyến xe sẽ đưa chị và con trai ra viện về nhà.
Cách đây 2 tuần, chị Trâm và chồng nhận kết quả dương tính với SARS-Cov-2. Cả hai vợ chồng được đưa vào các bệnh viện dã chiến mới thành lập của TPHCM để theo dõi sức khỏe. Con trai 16 tháng tuổi may mắn âm tính nhưng không thể để bé ở phòng trọ một mình, chị Trâm cũng mang theo bé vào bệnh viện.
Trước giờ vào viện, chị Trâm lo lắng, chỉ biết thu dọn hành lý thật nhanh đến nỗi quên mang theo cả dép cho con.
“Ở trong phòng rộng rãi, cũng có con nít nên cháu nhà tôi chơi đùa rất vui. Hàng ngày, bác sĩ ngoài kiểm tra sức khỏe còn phát bánh, sữa nên tinh thần cháu thoải mãi rất”, chị Trâm kể.
Cùng điều trị tại các bệnh viện dã chiến trong khu tái định cư Thủ Thiêm nhưng chị Trâm và chồng chỉ có thể gặp nhau qua màn hình điện thoại. Với chị, khoảng cách chỉ vài trăm mét chưa bao giờ lại xa đến thế.
Vừa cho con ăn bánh lót dạ trong lúc chờ xe, chị Trâm vừa tranh thủ gọi điện cho chồng. Chồng chị cũng đã âm tính lần một và đang đợi thêm một lần xét nghiệm nữa để được ra viện, đoàn tụ cùng vợ con.
Về đến phòng trọ khi đã quá 20h tối, chị Trâm ngay lập tức dọn dẹp nơi ở đã đóng kín cửa 2 tuần nay để cho con nghỉ ngơi. Dọn dẹp, sát khuẩn phòng xong, cũng là lúc đã qua ngày mới.
Nhưng sau một đêm mất ngủ vì hồi hộp khi nghe tin được ra viện, tối 27/7 là đêm chị Trâm cùng con có một giấc ngủ ngon nhất trong hơn 2 tuần qua. Với chị, chỉ còn đợi chồng xuất viện, niềm vui đoàn viên sẽ trọn vẹn.
Gia đình chị Trâm hay chị Điệp nằm trong số hơn 1.000 bệnh nhân tại bệnh viện dã chiến số 6 nói riêng xuất viện trong ngày 27/7. Còn trên toàn TPHCM, hôm qua đã có hơn 4.300 trường hợp F0 được trở về nhà.
Từ trên ban công các căn hộ, hàng nghìn F0 khác ngước nhìn theo những chuyến xe đưa những người đã khỏi bệnh rời bệnh viện dã chiến. Tất cả đều mong muốn sẽ sớm được về nhà trên những chuyến xe tương tự.
Lực lượng y bác sĩ tại các bệnh viện dã chiến, nhân viên y tế TPHCM cũng đều đang nỗ lực hết mình để con số bệnh nhân xuất viện sẽ nhiều hơn sau từng ngày.
Theo Dantri