“Khó xử” cậu bé Kiên Giang trộm hơn 200 triệu đồng để đánh bạc

105
Cháu T và tang vật bị thu giữ (ảnh TL)

Một cháu bé 12 tuổi ở TP Rạch Giá (Kiên Giang) đã đột nhập vào nhà dân gây ra vụ trộm cắp tài sản có giá trị lên đến hơn 200 triệu đồng. Dư luận băn khoăn, liệu các chế tài xử lý nghi phạm này sẽ được thực hiện như thế nào?

Công an TP Rạch Giá (Kiên Giang) đang củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật đối với cháu L.T.T (sinh ngày 17/2/2009, tạm trú phường Vĩnh Thanh, TP Rạch Giá) về hành vi trộm cắp tài sản.

Bước đầu, T khai nhận, do cần tiền chơi bạc nên trưa 21/5, cháu đã đột nhập vào nhà của một người dân ở khu phố 5 (phường Vĩnh Thanh Vân) lấy trộm nhiều kim loại bằng vàng, 10 triệu đồng tiền mặt, 1.000 đô la Mỹ, 500 đô la tiền Úc (tổng giá trị tài sản khoảng hơn 200 triệu đồng).

Sau khi rời khỏi hiện trường, T đi đánh bạc và bị thua khoảng 16 triệu đồng. Rạng sáng 22/5, đang trên đường về nhà trọ thì T bị lực lượng công an bắt giữ. Tại cơ quan công an, T khai nhận, đã thực hiện hành vi trộm cắp tài sản từ năm 8 tuổi.

Tính đến nay, “siêu trộm nhí” này đã đột nhập vào hàng chục nhà dân, lấy trộm nhiều tài sản có giá trị đem bán lấy tiền để đánh bạc, chơi game.

Được biết, T đang sống cùng nhà trọ với mẹ và hai đứa em, cha của nghi phạm này cũng vừa mới đi tù về tội trộm cắp tài sản.

Việc đối tượng đang trong độ tuổi “trẻ em” thực hiện một vụ trộm táo tợn với số tài sản khủng khiến dư luận băn khoăn về chế tài xử lý nam sinh này như thế nào?

Theo luật sư Đặng Văn Cường- Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Hà Nội) chia sẻ, đây là một vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng nhưng đối tượng thực hiện hành lại chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.

Theo đó, căn cứ khoản 2 (Điều 12, BLHS 2015) quy định:

“Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này”.

Như vậy, với thông tin ban đầu từ phía cơ quan điều tra thì đối tượng trộm cắp số lượng lớn vàng trị giá đến 200 triệu đồng mới chỉ 12 tuổi nên sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản.

Tuy không bị xử lý hình sự nhưng T có thể bị áp dụng biện pháp hành chính là đưa vào trường giáo dưỡng để tập trung cải tạo, giáo dục.

“Cháu bé trộm cắp tài sản từ năm 8 tuổi, đã thực hiện nhiều vụ trộm mà chưa bị phát hiện. Điều này cho thấy môi trường giáo dục từ gia đình của cháu bé này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, nhân cách của cháu bé…

Bởi vậy, chính quyền địa phương và các cơ quan tổ chức bảo vệ trẻ em cần phải có tiếng nói, can thiệp và có các giải pháp phòng ngừa hỗ trợ cho những trường hợp này”, luật sư Cường nói.

Cũng theo luật sư Cường, trong quá trình xác minh tin báo, cơ quan điều tra sẽ trả lại tài sản cho gia đình của nạn nhân, đồng thời sẽ làm rõ ngoài cháu bé thực hiện hành vi trộm cắp tài sản thì có ai xúi giục, giúp sức hay không. Nếu có thì người nào vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh tương ứng.

Trong trường hợp không chứng minh được có người khác có hành vi đồng phạm hoặc có hành vi phạm tội khác thì cơ quan điều tra sẽ không khởi tố vụ án hình sự và sẽ phối hợp với chính quyền địa phương để xem xét áp dụng biện pháp hành chính là đưa vào trường giáo dưỡng đối với cháu bé này theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính hiện hành.

“Đứa trẻ này có nhiều hành vi vi phạm pháp luật đến mức nguy hiểm cho xã hội. Tuy nhiên, do T chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, đồng thời môi trường gia đình rất phức tạp, sẽ không tốt cho sự phát triển hình thành nhân cách của trẻ.

Bởi vậy, thủ tục đưa vào trường giáo dưỡng là biện pháp có thể được áp dụng trong tình huống này để đảm bảo đứa trẻ có môi trường giáo dục tốt hơn, có cơ hội phát triển và hình thành nhân cách để trở thành người tốt, sống có ích cho xã hội”, luật sư Cường chia sẻ.

Luật sư Cường cho rằng, đưa vào trường giáo dưỡng là giải pháp tốt cho tương lai của cháu T sau này

Nhìn nhận ở một góc cạnh khác, luật sư Nguyễn Thu Anh (Đoàn luật sư Hà Nội) khẳng định, thông thường trong nhiều vụ việc nếu không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ có thể phạt vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, căn cứ điểm a (khoản 1, Điều 5, Luật xử lý vi phạm hành chính 2012) quy định đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính là:

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính.

“Như vậy, đối chiếu với quy định trên cho thấy, pháp luật không áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với trẻ em chưa đủ 14 tuổi.

Hành vi trộm cắp của trẻ em chưa đủ 14 tuổi nếu gây thiệt hại cho người bị mất tài sản thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Dân sự”, luật sư Anh nói.

Luật sư Anh cho rằng, theo quy định về bồi thường thiệt hại cho người dưới 15 tuổi sẽ do cha mẹ, người giám hộ thực hiện.

Nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.

“Trong trường hợp trẻ đã gây thiệt hại cho tài sản của người khác, trách nhiệm bồi thường thuộc về người giám hộ của trẻ (bố, mẹ,…).

Người bị thiệt hại có thể yêu cầu bố, mẹ của trẻ bồi thường phần tiền còn lại. Trường hợp người giám hộ của trẻ không bồi thường, người bị thiệt hại có thể tiến hành khởi kiện dân sự yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại tại Tòa án”, luật sư Anh phân tích.

Nguyễn Hằng

Theo Gia đình