Mức phạt tiền với hành vi hút thuốc lại địa điểm cấm tới đây sẽ là 200.000-500.000 đồng thay vì 100.000-300.000 như hiện nay.
Chính phủ vừa ban hành nghị định 117 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, trong đó có vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá. Theo đó, cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm. Trường hợp hút thuốc lá trên máy bay thực hiện theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
Phạt tiền 3-5 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không có chữ hoặc biểu tượng “cấm hút thuốc lá” tại địa điểm cấm hút thuốc lá theo quy định của pháp luật; không tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện đúng quy định về cấm hút thuốc lá tại địa điểm thuộc quyền quản lý, điều hành.
Quy định mới cũng phạt tiền 5-10 triệu đồng nếu nơi dành riêng cho người hút thuốc lá không có phòng và hệ thống thông khí tách biệt với khu vực không hút thuốc lá; không có dụng cụ chứa mẩu, tàn thuốc lá; không có biển báo tại vị trí phù hợp, dễ quan sát; không có thiết bị phòng cháy, chữa cháy. Quy định nói trên sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 15-11-2020.
Tại hội thảo thực trạng triển khai môi trường không khói thuốc diễn ra ngày 2-10 ở Hà Nội, nhiều chuyên gia cho rằng tình trạng hút thuốc tại các địa điểm cấm tuy đã giảm nhưng vẫn còn tái diễn. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế), do thực trạng lực lượng thanh tra mỏng, cùng lúc phải phụ trách nhiều lĩnh vực, thanh tra các cấp chưa quan tâm việc thanh kiểm tra công tác phòng chống tác hại thuốc lá.
Trong khi đó, một số lãnh đạo đơn vị cơ sở chưa thực sự quan tâm đến thực hiện môi trường không khói thuốc, thực hiện không nghiêm khắc. Ít trường hợp cán bộ bị xử lý. Đại diện Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá cho rằng chế tài xử phạt người vi phạm hút thuốc lá tại địa điểm cấm hiện rất khó thực hiện. Hành vi hút thuốc tại địa điểm cấm diễn ra rất nhanh, không có bằng chứng gây khó khăn trong việc xử phạt.
Các chuyên gia này cho rằng cần tăng cường sự phối hợp liên ngành để triển khai công tác kiểm tra, giám sát. Cần tăng mức phạt và công khai đối tượng bị phạt đối với các đơn vị vi phạm thực hiện môi trường không khói thuốc sau nhiều lần kiểm tra vẫn vi phạm.
Hiện trên thế giới có 62 quốc gia quy định về môi trường không khói thuốc lá hoàn toàn. Một số quốc gia mở rộng phạm vi địa điểm cấm hút thuốc lá sang các khu vực khác như ban công tại các chung cư (Phần Lan), công viên (Luxembourg, Malaysia và Singapore), hay các cơ sở lưu trú và địa điểm du lịch như tại Việt Nam…
Theo NLD