Theo đơn khởi kiện của ông Trần Sơn Tây Casimir Thông (quốc tịch Pháp), vào tháng 4 năm 2007, Công ty TNHH tư vấn đầu tư xây dựng AQA khi thi công đào tầng hầm công trình cao ốc văn phòng (nay là cao ốc Viễn Đông) số 14 Phan Tôn phường Đa Kao quận 1 TPHCM (có kết cấu quy mô 1 tầng hầm, 1 tầng trệt và 9 tầng lầu) đã làm căn nhà của ông số 14A Phan Tôn bị lún, nứt, nghiêng, nền móng bị sạt lở và căn nhà phụ thiệt hại hoàn toàn, có khả năng gây nguy hiểm cho tính mạng của những người đang sống trong nhà.
Lùng nhùng việc bồi thường thiệt hại:
Ông Trần Sơn Tây Casimir Thông có nộp đơn gửi chính quyền địa phương nhờ can thiệp giải quyết vụ xây cao ốc làm sụp lún nhà của ông. Sau khi xem xét đánh giá nguy cơ sập căn nhà số 14A Phan Tôn làm nguy hiểm tính mạng người dân nên chính quyền địa phương đã có thông báo di dời số 45 ngày 1/6/2007 yêu cầu những người trong căn nhà 14A Phan Tôn tự di dời ra khỏi nhà.
Ông Trần Sơn Tây Casimir Thông yêu cầu chủ sở hữu khuôn viên đất là bà Hứa Thị Lan Hương, chủ đầu tư công trình là Công ty TNHH Hà Xuân Thành và đơn vị thi công là Công ty TNHH tư vấn đầu tư xây dựng AQA liên đới bồi thường thiệt hại cho ông.
Phía chủ đầu tư công trình cao ốc Viễn Đông lùng nhùng việc bồi thường nên ông Thông nộp đơn khởi kiện ra Tòa án Nhân dân TPHCM. Tháng 10-2008, vụ kiện này đã được TAND TP.HCM thụ lý.
Dù quy định tại Điều 15 Nghị định 180/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị có quy định về việc xử lý công trình xây dựng ảnh hưởng đến chất lượng công trình lân cận như sau: Trường hợp công trình xây dựng gây lún, nứt, thấm, dột hoặc có nguy cơ làm sụp đổ các công trình lân cận thì phải ngừng thi công xây dựng để thực hiện bồi thường thiệt hại. Công trình chỉ được phép tiếp tục thi công xây dựng khi các bên đạt được thỏa thuận việc bồi thường thiệt hại.
Dù chưa đạt được thỏa thuận bồi thường nhưng Sở Xây dựng TPHCM lại ưu ái cho Chủ đầu tư công trình cao ốc Viễn Đông tiếp tục thi công để hoàn thành đưa vào sử dụng.
Ông Thông bức xúc: “Kể từ khi đưa tòa nhà vào sử dụng, chủ đầu tư cứ ầu ơ dí dầu không chịu bồi thường cho ông, thậm chí có hành vi o ép đưa ông vào thế khó khăn khi mười năm nay ông phải trả tiền thuê nhà để ở. Các kết quả giám định thiệt hại đều bị phía bị đơn khiếu nại nhằm kéo rê vụ án”. Tòa án đã cho chính bị đơn chọn công ty giám định khác. Lần này công ty giám định do phía bị đơn chọn có kết quả là chi phí khắc phục thiệt hại khoảng 2,3 tỉ đồng. Bị đơn tiếp tục không chịu, tiếp tục khiếu nại.
Không thể để bị đơn dùng quyền khiếu nại để kéo dài vụ án, ngày 16/7/2014, sau gần 6 năm kể từ khi có quyết định thụ lý, Tòa án nhân dân TPHCM đã đưa vụ án ra xét xử. Tòa sơ thẩm đã buộc Công ty TNHH Hà Xuân Thành có trách nhiệm bồi thường cho ông Trần Sơn Tây Casimir Thông số tiền hơn 5 tỷ đồng đồng.
Rối với cách lập luận của bản án phúc thẩm
Sau khi bản án sơ thẩm được tuyên, các đương sự trong vụ án đều kháng cáo. Gần hai năm sau, ngày 15/4/2016, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại TPHCM đã xét xử phúc thẩm và tuyên hủy bản án sơ thẩm số 819/2014/DS-ST, chuyển hồ sơ vụ án cho cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án.
Theo bản án phúc thẩm số 66/2016/DS-PT, việc Tòa án cấp sơ thẩm đơn phương chọn kết quả kiểm định của Exima ngày 29/12/2009 là chưa có căn cứ, khách quan!?
Trong hồ sơ vụ án có nhiều kết luận giám định khác nhau về thiệt hại do xây dựng và các bên không thống nhất được việc chọn lựa kết luận giám định nào để làm cơ sở giải quyết tranh chấp. Theo Điều 30 Luật giám định tư pháp và Điều 15 Thông tư số 35/2009/TT-BXD ngày 5/10/2009 của Bộ Xây dựng thì việc giám định lại thiệt hại do Hội đồng giám định thực hiện. Tòa án TPHCM đã có công văn ngày 27/10/2016 gửi cho Sở Xây dựng TP đề nghị cho biết ở địa bàn TPHCM có thành lập hội đồng giám định tư pháp về xây dựng hay chưa?
Sở Xây dựng TPHCM sau đó đã có công văn “đá” vấn đề này cho Sở Tư pháp TPHCM. Công văn của Sở Xây dựng TPHCM trả lời “đề nghị Tòa án liên hệ với Sở Tư pháp TPHCM để biết thông tin về Hội đồng Giám định tư pháp về xây dựng”. Trả lời vấn đề này, Sở Tư pháp TPHCM đã có công văn số 4601/STP-BTTP ngày 26/5/2017 nêu “Thông tư 04/2014/TT-BXD về hướng dẫn thi hành giám định tư pháp trong lĩnh vực đầu tư xây dựng không quy định UBND cấp tỉnh thành lập hội đồng giám định trong lĩnh vực xây dựng. Do đó, hiện tại TPHCM không có hội đồng giám định về lĩnh vực xây dựng.
Bản án phúc thẩm cũng nêu lý do hủy án là “cần điều tra làm rõ số nhân khẩu trong gia đình, từ đó để xác định mức thuê tối thiểu cho một người là bao nhiêu m2? Giá thuê nhà phải được xác định trên bảng giá nhà cho thuê của nhà nước chứ không thể căn cứ vào ý kiến chủ quan của một trong các bên!?
Ông Thông không đồng ý với quan điểm này của tòa án cấp cao vì lập luận này không đúng quy định và không đúng thực tế. Vì căn nhà của gia đình ông xây năm 1992, kết cấu Tầng hầm + tầng trệt + 3 tầng lửng + 2 lầu + sân thượng, tổng diện tích xây dựng 473m2 thì nay ông cũng thuê một căn nhà tương tự, bằng hoặc hơn nơi ở cũ như luật nhà ở quy định về tái định cư, chứ không có bất cứ quy định nào buộc gia đình ông phải ở trong định mức tối thiểu cho một người, rồi buộc người cho thuê nhà lấy giá thuê theo giá nhà nước cho thuê! Ông Thông cho biết vì không có sự thống nhất trong tiền thuê nhà với các bị đơn nên để công bằng ông Thông đòi tiền mất thu nhập từ căn nhà của ông khi cho thuê.
Về vấn đề này, Tòa án Nhân dân TPHCM cũng có công văn hỏi Sở Tài Chính TPHCM về việc có quy định cụ thể nào về giá thuê nhà trên địa bàn TPHCM hay không? Nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi nên vụ án tiếp tục nằm chờ chưa biết bao giờ mới xử lại.
Tiếc rằng vụ việc kéo dài gây khốn khó cho người dân cả về tinh thần lẫn vật chất. Khi mà các cơ quan chức năng nhà nước chưa làm hết và đúng trách nhiệm. Khi các bên chưa thỏa thuận được việc đền bù thiệt hại thì Sở Xây dựng TPHCM đã vội vả và ưu ái cho chủ đầu tư thi công công trình cao ốc Viễn Đông trở lại như tạo điều kiện tháo dỡ một biện pháp chế tài theo luật định cho chủ đầu tư làm cho người bị thiệt hại càng bị thiệt hại. Đến phần giám định thiệt hại xây dựng, trên thực tế rất hiếm trường hợp kết quả của công ty giám định này trùng với kết quả công ty giám định kia về số tiền khắc phục hậu quả.
Còn phía bị đơn thường sử dụng quyền khiếu nại, không đồng ý với kết quả giám định để kéo dài việc bồi thường khiến cho người bị thiệt hại đôi khi phải nhượng bộ vì không đủ kiên nhẫn đeo bám vụ việc. Với các kết quả giám định có sự chênh lệch có khiếu nại, thì cần có Hội đồng giám định tư pháp về xây dựng thực hiện-nhưng hội đồng này đến nay mới tồn tại trên giấy nên chưa thể thực thi được.
Khi bị đơn lạm dụng quyền khiếu nại kết quả giám định, thì buộc Tòa án sơ thẩm dùng quyền quyết định để giải quyết nhưng sau đó Tòa phúc thẩm lại cho không có căn cứ, khách quan để hủy án! Thế là mọi việc cứ trong vòng lẩn quẩn chưa có lối ra.
Thiết nghĩ, ngành tòa án cần sớm xây dựng án lệ về bồi thường thiệt hại đối với công trình xây dựng làm lún, sụp nhà bên cạnh. Qua đó hạn chế các tiêu cực phát sinh từ các cơ quan thực thi pháp luật, cơ quan tư pháp. Một quy trình án lệ xử lý rõ ràng, minh bạch, tránh hủy án hay diễn giải một cách vô căn cứ có lợi cho chủ đầu tư-người gây thiệt hại rồi cuối cùng phần thiệt hại kép này thuộc về người dân có nhà bị hư hỏng do công trình xây dựng bên cạnh gây nên.
SONG PHA
(Theo báo Kinh doanh và Pháp luật)