Hệ thống cấp cứu TP.HCM sẽ tăng thêm 300 xe, 100 tình nguyện viên tổng đài

28
Một ca bệnh được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 175 ngày 29-7 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Tăng công suất đường truyền, huy động nhân lực cho nhân viên cấp cứu, chuyển đổi các xe taxi để vận chuyển bệnh nhân…

Đó là những biện pháp mà ngành y tế TP.HCM đang nỗ lực để giải quyết ùn ứ cho hệ thống cấp cứu 115, để đảm bảo bệnh nhân được cấp cứu kịp thời.

Ngoài giải pháp để hỗ trợ hệ thống cấp cứu, các cơ sở cấp cứu phải thực hiện đúng quy trình cấp cứu để bảo vệ hệ thống cơ sở, vừa đảm bảo sức khỏe cho người bệnh.

Tập trung giảm tải

Ông Nguyễn Duy Long, giám đốc Trung tâm cấp cứu 115, cho biết để giải quyết những khó khăn về cấp cứu cho người dân trong mùa dịch COVID-19, trung tâm đã được Công viên phần mềm Quang Trung hỗ trợ trang thiết bị, cơ sở hạ tầng… để mở thêm một nhánh tổng đài 115 dã chiến, tăng công suất từ 14 đường truyền lên 40 đường truyền và có thể mở rộng hơn nữa nếu cần.

Về nguồn nhân sự, tổng đài dã chiến 115 có 20 người là lực lượng nòng cốt và cần thêm 100 sinh viên tình nguyện để huấn luyện cấp tốc, có thể nghe điện thoại xử lý các thông tin. Tổng đài 115 đặt mục tiêu tất cả các cuộc gọi đến đều được tiếp nhận, sàng lọc và đáp ứng các cuộc gọi đó.

Tuy nhiên, ông Long cho rằng khắc phục được điểm nghẽn về mạng thì vấn đề khó khăn tiếp theo cần được khắc phục sớm là xe cấp cứu để vận chuyển bệnh nhân. Hiện nay xe không đủ để đáp ứng được nhu cầu vận chuyển bệnh nhân mắc COVID-19.

Trong 2 tuần tới, thành phố dự kiến tăng thêm 100 xe cấp cứu 115 với đủ êkip cấp cứu và trang thiết bị y tế, tăng cường chuyển đổi thêm 200 xe taxi thành xe cấp cứu cho bệnh nhân. Hệ thống cấp cứu 115 sẽ được triển khai đến từng cơ sở chăm sóc và theo dõi sức khỏe các trường hợp F0 tại quận, huyện, các khu dân cư nhằm kịp thời vận chuyển những bệnh nhân có dấu hiệu chuyển nặng đến các bệnh viện, can thiệp điều trị sớm nhằm làm giảm tỉ lệ bệnh nhân chuyển nặng và tỉ lệ tử vong.

Việc huy động nhân sự, xe vận chuyển cũng phải thực hiện đồng bộ với tổng đài 115 mới hiệu quả, trong đó trước mắt sẽ có 50 xe taxi chuyển đổi thành xe y tế. Hiện thành phố cũng chỉ đạo thành lập 4 trạm cấp cứu vệ tinh khu vực đặt tại huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, quận 12 và TP Thủ Đức để kịp thời đáp ứng nhu cầu cấp cứu.

Không từ chối các trường hợp cấp cứu

Ông Tăng Chí Thượng, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết đối với các bệnh nhân mắc COVID-19 khi có dấu hiệu bệnh chuyển nặng như khó thở, hụt hơi, thở nhanh… cần gọi ngay tới tổng đài 115 hoặc số điện thoại của tổ phản ứng nhanh quận, huyện để được cấp cứu kịp thời. Tổ phản ứng nhanh ở các quận, huyện bao gồm các bác sĩ, điều dưỡng, công an…; tổ này phải cung cấp số điện thoại để người mắc COVID-19 đang cách ly tại nhà dễ dàng liên hệ khi cần hỗ trợ; vào tình huống khẩn cấp, tổ sẽ sử dụng xe cứu thương của các bệnh viện quận, huyện khi cần thiết.

Đối với người bệnh thông thường, khi có nhu cầu cấp cứu thì gọi tổng đài 115; nhưng nếu có hiện tượng kẹt xe chưa đến cấp cứu kịp, tốt nhất gia đình nên chủ động đưa người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất (trạm y tế, trung tâm y tế, bệnh viện quận, huyện) bằng các phương tiện vận chuyển của gia đình.

Ở các địa phương đều có tổ phản ứng nhanh sẽ hỗ trợ đưa người bệnh đến cơ sở y tế phù hợp. Về phía bệnh viện khi tiếp nhận các trường hợp cấp cứu, Sở Y tế đã yêu cầu các cơ sở y tế tuyệt đối không được từ chối các trường hợp cấp cứu, kể cả người bệnh sống trong khu vực phong tỏa.

Bác sĩ Trương Quang Anh Vũ, trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Thống Nhất, cũng cho biết tất cả bệnh nhân có bệnh lý, trạng thái cấp cứu đều phải được khoa cấp cứu tiếp nhận, không cần có giấy xét nghiệm âm tính.

Để đảm bảo an toàn cho bệnh viện tại khoa cấp cứu, bệnh viện đã thiết lập một vùng đệm ngay khu vực cấp cứu. Các nhân viên y tế tại khu vực này sẽ được mặc đồ bảo hộ, rà soát cẩn thận đến mức tối đa. Khi xe cứu thương vào cấp cứu, bệnh nhân và người nhà sẽ được êkip cấp cứu chuyển thẳng vào vùng đệm này để thực hiện test nhanh.

Nếu kết quả âm tính sẽ tiếp tục xét nghiệm RT-PCR; nếu âm tính, bệnh nhân sẽ được chuyển đến khu vực cấp cứu để điều trị hoặc nhập viện nội trú theo đúng quy định. Nếu bệnh nhân có test nhanh dương tính, bệnh nhân sẽ được cách ly và đợi làm xét nghiệm RT-PCR; nếu dương tính, bệnh viện sẽ liên hệ với các bệnh viện điều trị COVID-19 để xe cấp cứu chuyển đi sau khi xử lý tình trạng cấp cứu ổn định.

Bác sĩ Vũ cho biết thêm đối với trường hợp cấp cứu nguy hiểm tính mạng, như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, các bệnh có tính chất nguy hiểm tính mạng, bệnh viện sẽ làm test nhanh; nếu âm tính, trong quá trình đợi xét nghiệm RT-PCR, bệnh nhân sẽ được các nhân viên y tế xử lý đột quỵ, nhồi máu cơ tim… xử lý như quy trình F0.

Nếu test nhanh dương tính, bệnh viện sẽ hội chẩn với bệnh viện điều trị COVID-19 để chuyển bệnh nhân đến bệnh viện điều trị COVID-19.

Bệnh nhân cấp cứu xử lý như ca nghi nhiễm COVID-19

Bác sĩ Phạm Trí Dũng, trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết bệnh viện này tiếp nhận tất cả các trường hợp cấp cứu. Tất cả các bệnh nhân cấp cứu được coi như ca nghi nhiễm COVID-19.

Khi người bệnh được xe cứu thương vận chuyển đến, bệnh viện sẽ làm test nhanh cho bệnh nhân; nếu kết quả âm tính, bệnh nhân sẽ được làm xét nghiệm RT-PCR để khẳng định; trong quá trình chờ đợi kết quả, bệnh nhân sẽ được xử lý tình trạng cấp cứu.

Đối với trường hợp cấp cứu nguy hiểm tính mạng, bệnh viện sẽ test nhanh; trong quá trình chờ đợi kết quả, bệnh nhân sẽ được xử lý tình trạng cấp cứu ổn định.
115 nâng cấp đường truyền và kêu gọi tình nguyện viên hỗ trợ

Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Ngọc Hiển, phó trưởng phòng điều hành Trung tâm cấp cứu 115, cho biết trung tâm đã kêu gọi tình nguyện viên tham gia hỗ trợ; đã vận động, huấn luyện 37 sinh viên Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và tiếp tục tiếp nhận 63 bạn trong thời gian tới.

Trước đó, nói về công tác vận hành Cổng thông tin 1022, ông Lâm Đình Thắng – giám đốc Sở Thông tin và truyền thông – cho biết đang phối hợp với Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Thông tin và truyền thông để tiếp nhận nhiều cuộc gọi hơn bằng các giải pháp như tăng tình nguyện viên trực tổng đài, giới thiệu thêm đường dây nóng để người dân gọi. Ngoài ra, sở này dự kiến vài ngày nữa sẽ đưa vào sử dụng ứng dụng trí tuệ nhân tạo callbot để có thể tiếp nhận 3.600 cuộc gọi/giờ.