Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết Ban bảo vệ an toàn thực phẩm TP HCM đã có báo cáo kết quả kiểm tra bước đầu sau khi lô mì Hảo Hảo bị thu hồi ở Ireland.
Bộ Công Thương đã nhận được báo cáo của Ban bảo vệ an toàn thực phẩm của TP HCM và doanh nghiệp trong vụ việc lô mì Hảo Hảo của Công ty Acecook Việt Nam bị thu hồi tại Ireland. Thông tin này được Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết bên lề cuộc họp báo Chính phủ ngày 6-9.
Theo Thứ trưởng, báo cáo bước đầu của Ban bảo vệ an toàn thực phẩm TP HCM cho thấy doanh nghiệp có liên quan tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật Việt Nam. Đối với Công ty Acecook Việt Nam, doanh nghiệp này khẳng định không phải tất cả các sản phẩm sang thị trường Ireland có yêu cầu phải thu hồi, mà chỉ có một số sản phẩm nhất định theo thông báo của nhà chức trách các nước.
“Kết quả ban đầu thì doanh nghiệp khẳng định sản phẩm xuất khẩu là sản xuất riêng cho các thị trường, không liên quan tới sản phẩm sản xuất, bán tại Việt Nam. Tuy nhiên, vì sao chất này có trong các lô hàng đó thì chưa xác định được là ở khâu nào. Vì điều kiện dịch bệnh nên chúng tôi cần thêm thời gian vì phải cùng nhiều cơ quan như Bộ Y tế kiểm tra các sản phẩm. Phía doanh nghiệp thì nói họ không dùng chất ethylene oxide (EO)”- Thứ trưởng Đỗ Thẳng Hải cho hay.
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, hiện nay quy định cụ thể về chất EO giữa các quốc gia khác nhau và chưa có thống nhất. Qua thực tế này chắc chắn sẽ cần phải có những quy định cụ thể hơn, không chỉ với chất ethylene oxide mà đối với các chất khác có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng.
Trước đó, Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cũng cho biết, hiện Việt Nam chưa ban hành quy định cho phép, cấm sử dụng EO trong sản xuất nông nghiệp hay giới hạn dư lượng EO trong thực phẩm.
Nhiều quốc gia, tương tự Việt Nam, cũng chưa có quy định liên quan việc dùng chất này trong nông nghiệp, thực phẩm. Các tổ chức quốc tế về an toàn thực phẩm cũng chưa ban hành quy định về giới hạn dư lượng EO trong thực phẩm.
Trong khi đó, việc quy định các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với từng loại thực phẩm mà mỗi quốc gia, khu vực đơn phương đưa ra khác nhau và phụ thuộc lớn vào cán cân thương mại hoặc chính sách xuất nhập khẩu mỗi nước, điều kiện kỹ thuật, phương thức quản lý, thói quen tiêu dùng.
Vụ Khoa học và Công nghệ cho rằng, một số ít khu vực, quốc gia đưa ra quy định về hàm lượng EO trong sản phẩm thực phẩm, như Mỹ và Canada quy định trong các loại thảo mộc, rau củ khô, vừng là 7 mg/kg với EO; 940 mg/kg với 2-chloroethanol. Hàn Quốc giới hạn tạm thời đối với 2-chloroethanol: 30 mg/kg trong thực phẩm thông thường, 10 mg/kg với thực phẩm cho trẻ sơ sinh.
Tại Liên minh châu Âu (EU), ethylene oxide bị cấm sử dụng khử trùng, lưu trữ thực phẩm từ năm 1991. Theo quy định năm 2015, ngưỡng tối đa chất EO có trong chè, ca cao, cà phê hạt, gia vị, các loại củ là 0,1 mg/kg.
Gần đây, một số nước thuộc EU đưa ra cảnh báo và thu hồi một lô sản phẩm mì tôm chua cay Hảo Hảo và miến Good của Acecook Việt Nam, phở khô bò gà của Công ty thực phẩm Thiên Hương. Việc rà soát, kiểm tra sản phẩm của các doanh nghiệp này đang được cơ quan chức năng tiến hành.
Chính vì vậy, Bộ Công Thương lưu ý, các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm cần kiểm soát chất lượng trong toàn chuỗi cung ứng, thường xuyên rà soát, đánh giá quy trình sản xuất, máy móc thiết bị, vệ sinh nhà xưởng về mối nguy gây mất an toàn thực phẩm.
Doanh nghiệp cần kiểm tra định kỳ các sản phẩm và nguyên liệu, nhất là các cấu phần thuê mua gia công để đánh giá nguy cơ, kiểm soát nhằm giảm thiểu mức độ rủi ro. Doanh nghiệp cũng cần làm việc với các nhà cung cấp để đảm bảo điều kiện sản xuất, bảo quản và vận chuyển nguyên vật liệu và bao bì không phát sinh mối nguy; đồng thời nghiên cứu, thường xuyên cập nhật thông tin để kiểm soát tiêu chuẩn sản phẩm do mình sản sản xuất trước khi xuất khẩu.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, các doanh nghiệp muốn xuất khẩu sản phẩm vào thị trường nào thì phải tuân thủ quy định của thị trường đó, không tuân thủ thì tiêu chuẩn cao hơn hay thấp hơn cũng không thể xuất khẩu được.
Minh Chiến
Theo NLĐ