Bí mật vệ sĩ của VIP

37
Trần Hoàng Thắm, nữ vệ sĩ riêng cho khách VIP

Vệ sĩ của VIP – nghề được tuyển lựa đặc biệt để bảo vệ mục tiêu đặc biệt. Dấn thân vào nghề này, họ phải tận tụy và ‘khuất sau’ suốt đời, quan trọng nhất là đức tính sẵn sàng xả thân mình cho sự an toàn của người khác.

Chuyện đua xe, bắn súng, phi thân lên nhà cao tầng thường chỉ có trong phim ảnh, nhưng các vệ sĩ riêng của khách VIP cũng thông thạo nhiều kỹ năng đặc biệt để sẵn sàng khi cần.

Bảo vệ xe kim cương, bao tải tiền

“Trước đây tôi làm trong một công ty bảo vệ lâu đời ở TP.HCM. Đội tôi hay được gọi vui là ‘đội đặc vệ triều đình’. Có khi chúng tôi bảo vệ xe vận chuyển kim cương cho các tập đoàn làm vàng bạc, đá quý hoặc bảo vệ các vụ vận chuyển tiền lớn.

Đội đặc vệ phải ngồi trong xe đặc chủng chở kim cương thô. Chúng tôi ngồi trong thùng xe tối om, chỉ có cái lỗ bằng bàn tay nhìn ra ngoài. Phía khoang tài xế được ngăn bằng khung thép để bảo vệ tài xế vận chuyển.

Khi về tới điểm bàn giao cũng không biết đó là đâu, chỉ biết là tới sân bay và nhận ‘hàng’ về” – anh Quốc Hưng (nhân vật đề nghị đổi tên), giám đốc an ninh một tập đoàn lớn tại TP.HCM, kể chuyện.

Anh Hưng cho biết có chuyến đội đặc vệ áp tải cả khách VIP đi ôtô kèm xe tải tiền. Họ nhận nhiệm vụ bảo tiêu người và tiền từ ngân hàng về một công ty ở khu công nghiệp tại quận Bình Tân. Số tiền rất lớn trong các bao tải tiền xếp kín sàn xe tải.

“Nói thật, đời chúng tôi chưa bao giờ nhìn thấy số tiền lớn như vậy. Nhiều chiến thuật nghiệp vụ được sẵn sàng để bảo tiêu an toàn. Nhưng đó cũng chỉ là một trong nhiều nhiệm vụ mà chúng tôi thực hiện” – anh Hưng nhớ lại.

Để được tuyển vào đội đặc vệ, anh Hưng và đồng nghiệp phải trải qua các khóa huấn luyện vô cùng gian khổ.

“Mỗi ngày chúng tôi đều phải rèn thể lực ít nhất 3 giờ. Các thành viên phải chạy bộ trung bình 10km, thực hiện các bài tập ‘gánh nhau’ chạy bộ lên xuống cầu thang, phải thuần thục các môn võ thực chiến hiệu quả như judo, karatedo, taekwondo, boxing…

Đặc biệt còn rất nhiều yêu cầu nghiệp vụ bắt buộc với đội đặc vệ như mắt phải tinh, tai phải thính, mũi nhạy, khi xảy ra sự cố thì chớp mắt phải bảo vệ được người” – anh Hưng chia sẻ.

Anh Bùi Cao Nhân, trưởng an ninh một công ty lớn tại TP.HCM, nhớ lại vụ giải cứu khách VIP gay cấn vào cuối năm 2020: “Việc bảo vệ các VIP luôn ở trạng thái sẵn sàng với những sự cố đặc biệt.

Cuối năm 2020, trong lúc đang bảo vệ VIP là phó ban tổ chức một cuộc thi ở thành phố biển, chúng tôi bất ngờ gặp tình huống thân chủ bị bắt cóc ngay trước sảnh khách sạn. Hai ôtô lạ đã áp sát thân chủ định ‘bế’ người này lên xe bỏ trốn, nhưng chúng tôi kịp thời giải cứu được và báo án cho công an bắt nhóm bắt cóc.

Ngay sau đó, thân chủ và công an quận đã thưởng nóng cho anh em”.

Võ thuật là yếu tố không thể thiếu với vệ sĩ của khách VIP nhưng cần thêm trí tuệ

Nhiều người nghĩ làm vệ sĩ cho VIP sẽ giắt súng đạn trong mình. Pháp luật VN không cho phép tự trang bị vũ khí này.

Chúng tôi chỉ sử dụng kỹ thuật tay chân và đầu óc là chính. Vệ sĩ giỏi là biết lường trước, thu xếp để không xảy ra sự cố và phải biết phối hợp tốt với công an chứ không phải hở ra là đấm đá, bắn giết như phim.

NGUYỄN BẢO TÙNG
(một vệ sĩ khách VIP với gần 20 năm kinh nghiệm)

Nữ vệ sĩ riêng: tăm tiếng và tai tiếng

Trần Hoàng Thắm hiện làm trong Công ty võ thuật VL tại Tiền Giang. Cô còn trẻ nhưng đã mấy năm làm đặc vệ riêng cho một nữ doanh nhân lớn.

Cô gái đằm tính này chia sẻ: “Lần đầu nhận nhiệm vụ bảo vệ VIP, do được huấn luyện kỹ nên vào nhiệm vụ cũng không khó khăn lắm. Mỗi ngày mình luôn cận kề thân chủ, từ đi ăn uống, siêu thị, tiếp khách đến đi làm tại công ty.

Lần mình gặp sự cố căng thẳng nhất là có nhóm người đến doanh nghiệp quậy. Không đánh đấm nhưng nhiều ngày họ đứng la hét, gây rối trước cửa công ty”.

Khi đó Thắm phải bình tĩnh quan sát mọi hành động của nhóm người đó, ghi lại biển số xe, nhớ rõ khuôn mặt để báo công an và làm chứng khi cần.

Ban đầu cô cũng hơi bối rối trước đám đông, nhưng rồi tự trấn an mình là có đào tạo, có thể tự vệ và quan trọng nhất là phải bình tĩnh để bảo vệ thân chủ.

Sau 2 năm làm vệ sĩ riêng ở Tiền Giang, Thắm lên Sài Gòn để học nâng cao nghiệp vụ và luyện lái xe để có tay nghề cao hơn cho các vị trí bảo vệ khách VIP.

Trải lòng về nghề đặc biệt này, Thắm tâm sự: “Hồi mới vào cũng hơi ngượng vì đi đâu cũng mặc đồng phục. Mà do chị sếp toàn đi mua sắm và tiếp khách ở chỗ quan trọng nên mình hay bị để ý.

Nhưng khi vào vị trí người bảo vệ mục tiêu VIP, bản năng nghề khiến mình quên hết mọi ánh nhìn xung quanh, chỉ tập trung mục tiêu của mình sao cho chị ấy luôn an toàn.

Nghề vệ sĩ khách VIP cho mình cơ hội học hỏi được rất nhiều từ những thân chủ, bởi đó là thế giới đặc biệt của những người vừa giàu vừa giỏi nên cho mình được nhiều trải nghiệm”.

Để được chọn vào vị trí vệ sĩ riêng cho khách VIP, Thắm phải luyện cả võ cổ truyền và Muay Thái thực chiến. Hiện cô luyện thêm lái xe để có thể bảo vệ mục tiêu tốt nhất suốt 24/24 giờ.

“Nhiều người nghĩ con gái dấn thân vào nghề này chắc phải “có gì đó”, như vừa vệ sĩ vừa là “tay vịn” của sếp… Nhưng mình được đào tạo bài bản nên lúc đầu có ngại một chút, sau thì không quan tâm nữa. Có thể với người khác xem nữ vệ sĩ ghê gớm lắm, còn với riêng mình là đam mê.

Ở công ty có các chị cũng là nữ vệ sĩ riêng, có chị 26 tuổi đã phải nghỉ để làm nghề khác vì muốn tìm việc ổn định lo cho gia đình. Nhưng mình nể phục vì các chị đều là tấm gương trong nghề để học hỏi. Tai tiếng hay nổi tiếng đều là do mình” – Thắm bộc bạch.

Nhật ký 7 tháng làm vệ sĩ riêng của một võ sĩ

Vệ sĩ giải cứu khách VIP bị bắt cóc ngay trước sảnh khách sạn, sau đó đã giúp công an phá án – Ảnh NVCC

Lo cuộc sống võ đài không dài lâu và cơm áo gạo tiền gia đình nên có giai đoạn một võ sĩ có tiếng tại TP.HCM đã dừng nghiệp võ, đi làm vệ sĩ riêng. Anh kể 7 tháng đầy trải nghiệm về nghề đặc biệt này:

Việc của tôi là theo sát để bảo vệ sếp mọi lúc mọi nơi như kiểu đặc vệ trong phim. Khi sếp đi du lịch, tập gym, gặp đối tác, khi sếp ký hợp đồng và tất cả các giao dịch khác, tôi đều bên cạnh sếp. Kể cả khi sếp vào bar, beer club hay… nhà vệ sinh, tôi cũng đi cùng.

Sếp đi tiếp khách quan trọng trên bàn nhậu, tôi cũng phải đứng gần bên. Khi sếp say quá, vừa phải lo bảo vệ sếp vừa lo bảo toàn tài sản vì thường các sếp xài hàng hiệu rất đắt tiền.

Số tài sản mình phải bảo vệ rất lớn nên khá áp lực. Lỡ mất mát gì thì làm cả đời không đủ trả. Có lúc phải ngồi dưới bãi giữ xe đợi sếp thì bị nhầm là nhân viên bảo vệ bãi xe.

Có thời gian tôi phải khăn gói theo sếp đến biệt thự riêng ở một cù lao biệt lập. Dù sếp ưu ái cho đưa vợ con theo nhưng cũng phát sinh nhiều vấn đề. Hồi đó vợ tôi bị trầm cảm sau sinh, lại thêm lo chồng đi tối ngày theo sếp, rồi đi cả nước ngoài…

Dù mức lương khi ấy được sếp chi trả là lớn với đời làm võ sĩ, nhưng cuối cùng tôi chọn trở lại với đam mê võ thuật. Đến giờ tôi vẫn giữ quan hệ anh em thân tình với sếp cũ, dù không còn làm nhưng ảnh vẫn quý và giúp đỡ tôi khi cần.

Theo Tuổi trẻ