Người phụ nữ này vẫn không đeo khẩu trang và dắt theo bé gái đi trên phố giữa lúc TP.HCM đang thực hiện nghiêm ngặt việc giãn cách xã hội.
Trong đợt dịch Covid-19 thứ 4 này, có lẽ người phụ nữ được dân mạng gọi là “chị đại quận 4” chắc hẳn không còn xa lạ bởi 5 lần 7 lượt bị lực lượng chức năng xử phạt vì không đeo khẩu trang, vi phạm quy định phòng chống dịch.
Ngày 23/8, TP.HCM bắt đầu siết chặt giãn cách xã hội yêu cầu “ai ở đâu ở yên đó”, người dân không được ra đường thế nhưng tiếp tục phớt lờ quy định, chị N.T.N (33 tuổi, ngụ quận 4) tiếp tục dắt theo con nhỏ lang thang trên phố. Và vẫn như mọi khi, người phụ nữ này vẫn không đeo khẩu trang phòng chống dịch.
Ngay sau đó một đoạn clip ngắn ghi lại khoảnh khắc người phụ nữ dắt con gái vội vã di chuyển khỏi khu vực ngã tư – nơi có chốt kiểm soát dịch tiếp tục được chia sẻ. Theo đó, khi thấy một đồng chí công an tại chốt đang đứng quan sát, người phụ nữ bước vội vàng hơn, dắt tay con nhỏ đi nhanh về phía trước, giữ khoảng cách xa.
Có lẽ sau nhiều lần bị xử phạt, người phụ nữ này không đứng lại “trả treo” với lực lượng chức năng nữa mà tìm cách né tránh.
Bên dưới phần bình luận, một dân mạng đã chia sẻ hình ảnh chụp được “chị đại” này sau đó chở con bằng xe máy di chuyển trên đường. Dù đã đeo khẩu trang để phòng dịch nhưng người phụ nữ này lại không đội nón bảo hiểm khi điều khiển xe máy. Và không lâu sau đó, người phụ nữ nay đã bị lực lượng chức năng tại một chốt kiểm soát trên đường yêu cầu dừng xe, không được qua chốt. Chị N. liền xuống xe, một lần nữa to tiếng, đôi co tại chốt kiểm soát trên đường.
Không rõ sau một ngày ra đường vi phạm quy định phòng chống dịch, người phụ nữ một lần nữa bị lập biên bản xử phạt hay không. Nhưng mỗi lần hình ảnh người phụ nữ này được chia sẻ vì không đeo khẩu trang là lại khiến dân mạng lắc đầu ngán ngẩm.
Trước đó, người phụ nữ này từng gây xôn xao với hàng loạt phát ngôn “không có dịch”, “đeo khẩu trang ngộp lắm” và liên tục cự cãi lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ. Thậm chí, khi được đến tận nhà giải thích, người phụ nữ này vẫn ngoan cố hỏi rằng “dịch này là gì, dịch này đến từ đâu?”.
Theo Pháp luật & Bạn đọc