Phát hiện bất ngờ về mối quan hệ giữa cháy rừng với Covid-19 ở Mỹ

24
Các vụ cháy rừng bị cho là gián tiếp gây ra hàng nghìn ca nhiễm và tử vong bởi Covid-19 ở Mỹ. Ảnh: AP

Hàng nghìn ca nhiễm và tử vong bởi Covid-19 ở miền Tây nước Mỹ vào năm ngoái bị cho là đến từ việc hít phải khói bụi từ các vụ cháy rừng.

Theo trang tin Business Insider, đây là kết quả một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí khoa học Science Advances hôm 13/8 vừa qua.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Harvard (Mỹ), qua việc xem xét dữ liệu từ 92 địa hạt tại các bang California, Oregon và Washington từ tháng 3 đến tháng 12/2020, đã phát hiện “các bằng chứng mạnh mẽ” cho thấy việc tiếp xúc trong thời gian ngắn với bụi mịn từ các vụ cháy rừng đã làm gia tăng số ca nhiễm và tử vong bởi Covid-19 ở các khu vực này.

Ở một vài trong số các địa hạt bị ảnh hưởng bởi cháy rừng, các tác giả nghiên cứu nhận thấy gần 20% số ca nhiễm Covid-19 có liên quan đến sự gia tăng lượng khói bụi từ các vụ cháy rừng. Ở một số địa hạt nhất định, tỷ lệ tử vong bởi Covid-19 có liên quan đến việc hít phải khói bụi từ các đám cháy thậm chí còn cao hơn.

Cháy rừng vốn được biết đến với việc gây ra mức độ ô nhiễm cao, có thể gây hại đối với sức khỏe con người. Nhiều chuyên gia còn cảnh báo ảnh hưởng từ các vụ cháy rừng sẽ khiến mọi người dành nhiều thời gian ở trong nhà, nơi virus corona có nhiều khả năng lây lan hơn.

“Có rất nhiều cơ sở cho thấy các đám cháy rừng, qua việc tăng lượng bụi mịn PM 2.5 mà mọi người hay hít phải, có thể thúc đẩy sự lây truyền của virus corona”, Irva Hertz-Picciotto, nhà dịch tễ học môi trường từ Đại học California tại Davis (UC Davis), cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ Bưu điện Washington. “Hàm lượng bụi bẩn trong không khí càng nhiều, thì cơ hội để những loại virus này xâm nhập vào phổi của bạn càng lớn”.

Nghiên cứu từ Đại học Havard còn lưu ý rằng, biến đổi khí hậu đã làm tăng nguy cơ xảy ra cháy rừng, và do đó cũng là một phần nguyên nhân khiến nhiều người hít phải khói bụi và gia tăng nguy cơ nhiễm Covid-19.

“Điều này đã biểu hiện bản chất mang tính hệ thống và ngẫu nhiên của các cuộc khủng hoảng, và cách mà một cuộc khủng hoảng toàn cầu (biến đổi khí hậu) có thể gây tác động mang tính dây chuyền lên một cuộc khủng hoảng toàn cầu khác (dịch Covid-19)”, các tác giả nghiên cứu cho biết.

Theo VietNamNet