Ca F0 từng phải điều trị hồi sức, hơn một tháng qua đã cai thở máy, dù chưa khỏi bệnh nhưng đã tình nguyện giúp đỡ những F0 nặng từ việc vệ sinh, ăn uống, giúp họ gội đầu ngay trên giường bệnh.
Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 Củ Chi (TPHCM) những ngày đầu tháng 8, đã gần 2 tháng trôi qua sau khi nơi này tiếp nhận những bệnh nhân F0 nặng và nguy kịch đầu tiên tới điều trị. Mỗi ngày hàng chục y bác sĩ đang căng mình để giành lại sự sống cho bệnh nhân trong tay “tử thần” mang tên Covid-19, đây cũng là nơi có những F0 đặc biệt đang điều trị.
8h30 sáng, bước vào bên trong khoa nhiễm 1 – nơi đang điều trị cho gần 80 bệnh nhân mắc Covid-19 thuộc nhóm nặng, chỉ sau khoa Hồi sức tích cực. Một bầu không khẩn trương từ hành lang cho tới các phòng bệnh, tiếng lạch cạch của xe đẩy vang dọc hành lang, các nhân viên y tế thay nhau đẩy bệnh nhân ra vào, thay bình ô xy ở các phòng.
Hà Ngọc Trường, chàng trai 28 tuổi trước đây là nhân viên bán mỹ phẩm ở quận 1, TPHCM. Đã hơn 50 ngày anh có mặt ở khoa nhiễm 1, anh là một bệnh nhân mắc Covid-19 nặng, từng phải đối diện với “tử thần” nhưng may mắn đã vượt qua, dù chưa khỏi bệnh nhưng không còn phải điều trị tích cực nữa.
Bắt đầu một ngày mới, Trường thay áo quần bệnh nhân, buộc tóc gọn gàng lên rồi bắt đầu ngày mới của một F0 đặc biệt.
Trường kể, anh và cả gia đình mắc Covid-19, khi mới vào đây anh phải thở máy, suy hô hấp nặng và phổi bị trắng. Sau gần một tháng điều trị, anh đã hồi phục sức khỏe dần, cai được thở oxy nhưng hiện vẫn chưa chữa khỏi Covid-19. Và từ thời điểm đó, tất cả những người bệnh ở khoa nhiễm 1 đều biết đến Trường như một “điều dưỡng” đặc biệt.
“Sau khi mình tạm ổn định sức khỏe, cai được oxy và có thể đi lại bình thường, mình đã nghĩ ngay tới việc phải làm gì đó như dọn dẹp vệ sinh phòng bệnh, hỗ trợ chăm sóc các F0 triệu chứng nặng để giúp đỡ mọi người ở đây, một phần để các y bác sĩ bớt vất vả hơn. Rồi mình nhờ các anh, chị bác sĩ hướng dẫn cho cách thay bình oxy, cách chăm sóc cho những bệnh nhân nặng không thể tự sinh hoạt. Từ thay tã, lau người, gội đầu,… mình nhận làm hết” – Trường nói.
Mỗi buổi sáng, Trường sẽ đi một vòng khắp các phòng bệnh trong khoa để hỏi thăm từng bệnh nhân, kiểm tra việc sinh hoạt cá nhân, bình nước truyền, bình oxy của họ để xem ai cần gì thì giúp ngay.
Gần như tất cả bệnh nhân trong khoa nhiễm 1 Trường đều biết tên, nhớ mặt, và giúp đỡ họ mỗi ngày.
Trong công việc hỗ trợ y bác sĩ tại bệnh viện, Trường đã tự cam kết sẽ tuân thủ nghiêm mọi quy định tại đây, tránh ảnh hưởng sức khỏe cho y bác sĩ, người bệnh và cả chính mình. Vẫn còn là một F0 nhưng luôn đeo găng tay y tế, khẩu trang 3M, sát khuẩn thường xuyên khi chăm sóc những bệnh nhân khác.
Tại đây, đa số bệnh nhân đều phải thở oxy, không thể tự đi lại bình thường được. Mọi việc sinh hoạt cá nhân, từ ăn uống, tắm rửa, vệ sinh đều do nhân viên y tế hỗ trợ.
– Để con gội đầu cho cô Thủy nhá?. Con gội miễn phí, không lấy tiền.
Trường vừa nói vừa cười đùa vui vẻ. Ngay lập tức ra phòng tắm mang hai chậu nước cùng chiếc khăn tắm tiến về giường cô Thủy.
Cô Huỳnh Thị Thủy (ngụ quận 8) cho hay, khoảng một tuần tới 10 ngày sẽ được Trường qua gội đầu cho một lần. Gần một tháng điều trị Covid-19 tại đây, hàng ngày cô đều được Trường tới hỏi thăm, giúp đỡ việc ăn uống, vệ sinh cá nhân.
“Cô xem nó như con mình vậy đó, mọi người ở đây cũng vậy, đều xem Trường như con cháu trong nhà. Trường thì giúp đỡ mọi người mỗi ngày, việc gì cũng nhận làm. Thương lắm”, cô Thủy chia sẻ.
Theo Trường, cả khoa có khá đông các cô chú bệnh nhân lớn tuổi, đa phần là không thể tự sinh hoạt cá nhân được, số lượng khá nhiều nên mỗi ngày anh chỉ có thể luân phiên gội đầu cho vài người. Thời gian còn lại anh giúp họ dọn dẹp, thay tã, hỗ trợ nhân viên y tế thay bình oxy,…
“Gia đình mình 5 người đều bị mắc Covid-19, mẹ mình nặng nhất hiện đang phải điều trị tại Bệnh viện Nhiệt Đới, phải chạy ECMO. Trước đây ở nhà mình cũng hay gội đầu cho mẹ lắm, nhưng giờ mẹ không có ở đây nên gội đầu cho các cô mình thấy giống như đang chăm sóc cho mẹ vậy. Mình cũng từng là bệnh nhân nặng, mình hiểu được cảm giác không thể tự vệ sinh, tắm rửa sẽ rất khó chịu, nên khi mình khỏi bệnh thì mình quyết định là giúp đỡ mọi người xung quanh mình”, Trường chia sẻ.
Nhiều bệnh nhân F0 ở khoa nhiễm 1 cho hay, khi hàng ngày không gặp Trường, họ lại thấy thiếu, lại phải hỏi các bác sĩ xem hôm nay sao Trường không qua thăm, liệu có bị triệu chứng nặng trở lại hay không.
Điều dưỡng Phạm Thị Lê Phương kể lại, gần một tháng trước, Trường đã xin ban giám đốc bệnh viện để được làm tình nguyện trong khoa với điều kiện sẽ đảm bảo sức khỏe chính mình, không ảnh hưởng tới y bác sĩ bệnh viện và những bệnh nhân khác.
“Chúng tôi thương em như em của mình, khi bệnh ổn định được một chút, em không nghỉ ngơi mà xin được cùng chúng tôi chăm sóc cho các cô chú bệnh nhân khác, mang niềm vui, sự lạc quan của em đến cho họ mỗi ngày. Vậy là chúng tôi lại có thêm một anh lao công bất đắc dĩ, kiêm vai trò một điều dưỡng không chuyên hỗ trợ mỗi ngày”, chị Phương chia sẻ.
Theo Dantri