120 năm tù là tổng mức án 41 bị cáo (chủ yếu phụ nữ đồng bào Êđê) phải trả giá cho hành vi giả cô dâu, chú rể, chủ nhà để chiếm đoạt tiền tỷ hàng loạt cơ sở cung cấp dịch vụ ma chay, hiếu hỷ (chủ gia chánh) trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Chủ tọa trải lòng
Sau khi Hội đồng xét xử TAND tỉnh Đắk Lắk tuyên án sơ thẩm đối với 41 bị cáo trong vụ án đóng giả cô dâu, chú rể, chủ nhà để ký hơn 100 hợp đồng đặt tiệc, chiếm đoạt hơn 1,6 tỷ đồng của 13 chủ gia chánh, ông Y Phi Kbuôr, thẩm phán, chủ tọa lặng lẽ trở về phòng làm việc.
Cởi chiếc áo choàng đại diện cho công lý, thẩm phán Y Phi thở phào nhẹ nhõm, trải lòng với PV Tiền Phóng vụ án thu hút sự quan tâm của dư luận.
“Để đưa ra mức án đúng người đúng tội thật không đơn giản. Tôi là người tiếp nhận vụ án từ đầu đến giờ nên hiểu cặn kẽ. Gần 30 năm làm nghề, trong đó hơn 10 năm giữ cán cân công lý, đây là vụ án khiến tôi xót xa nhất”, ông Y Phi bộc bạch.
Ông kể, thủ đoạn các bị cáo đóng giả cô dâu, chú rể, chủ nhà để ký tới 101 hợp đồng đặt tiệc, rồi lừa hơn 1,6 tỷ đồng của 13 chủ gia chánh đã rõ nhưng vai trò của từng người lại khác nhau; có đối tượng chỉ tham gia một vụ, chiếm đoạt 1 triệu đồng.
Chưa kể, 41 bị cáo đều là người Êđê, phần lớn không biết chữ, không sõi tiếng phổ thông. Phiên tòa phải bố trí một người phiên dịch, thậm chí thẩm phán Y Phi phải dùng song ngữ Êđê- tiếng Việt để trao đổi với các bị cáo. Đặc biệt, nhiều bị cáo đơn thân, mới sinh con nhỏ, hoàn cảnh gia đình túng khổ.
“Tôi cũng là người dân tộc thiểu số nên phần nào cảm thông với họ. Tuy nhiên trên công đường, luật pháp bất vị thân, tôi không vì cái riêng mà nương nhẹ, xử lệch vụ án.
Cách duy nhất tôi cứu họ là động viên trả tiền lại cho chủ gia chánh để được giảm nhẹ tội. Tuy vậy, có người nghèo đến mức 500 nghìn đồng cũng không có, như bị cáo H’Ngem Byă, xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar.
Tôi rút tiền túi cho nhưng bà không nhận. May quá, đến ngày xử thứ hai, người thân góp tiền cho bà mượn trả chủ gia chánh”, ông Y Phi kể.
Bị tuyên mức án 1 năm tù, cho hưởng án treo, bị cáo H’Ngem không nói nên lời. Không biết chữ, nói tiếng Việt không sõi, bà trả lời “nhát gừng” rằng, rất mừng vì không bị bắt nhốt. Có 7 người con nhưng chỉ vài sào đất rẫy, bà H’Ngem luôn quanh quẩn trong cảnh đói nghèo.
Một ngày cuối tháng 1/2019, vì cần tiền, bà được bị cáo H’BLuên Kriêng (người cùng xã, được xác định là chủ mưu vụ án) chỉ cách mượn tiền chủ gia chánh.
H’Bluên cùng một số đồng phạm (H’Mri Byă, H’Mlen Ksơr) đến nhà rồi xúi bà H’Ngem giả ký hợp đồng đặt tiệc để lừa lấy 20 triệu đồng của ông H- chủ gia chánh trên địa bàn huyện Cư M’gar.
Ngay khi lấy được tiền, những người trên lấy hết, chỉ đưa lại cho H’Ngem 1 triệu đồng. “Chỉ vì số tiền đó, tôi mang tội lừa đảo, bị người làng xì xào, bàn tán, thật xấu hổ. Tôi không dám làm những việc xấu như thế nữa”, bà H’Ngem nói.
Chủ gia chánh vô can?
Dõng dạc luận tội từng bị cáo, thẩm phán, chủ tọa Y Phi Kbuôr không quên nhắc đến việc hám lợi của các chủ gia chánh đã tạo điều kiện cho người khác thực hiện được hành vi phạm pháp.
Chủ tọa đề nghị các bị hại cũng nên soi lại mình khi đưa tiền tạm ứng cho các bị cáo đặt tiệc.
Đây cũng là chủ đề bàn tán của dư luận trước, trong và sau phiên tòa. Có người thắc mắc vì sao chủ gia chánh lại cho người dân đặt tiệc ứng tiền, trong khi từ trước đến nay họ phải thu tiền đặt cọc.
Trong một ngày, vì sao chủ gia chánh đem số tiền lớn đi đến nhiều địa phương để làm hợp đồng đặt tiệc và với những gia đình nghèo “rớt mùng tơi” lại đặt tới 60 mâm cho bữa tiệc sinh nhật, liệu hợp đồng đặt tiệc chỉ là cái cớ, biến tướng của loại hình cho vay nặng lãi…
Theo tìm hiểu của Tiền Phong, việc các chủ gia chánh cho chủ nhà ứng trước tiền đám tiệc đã xuất hiện từ nhiều năm nay, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.
Nhiều gia đình nghèo nhưng vẫn muốn tổ chức đám cưới, đám hỏi, sinh nhật thật tươm tất.
Đáp ứng nguyện vọng đó, chủ gia chánh mạnh dạn bỏ tiền ra lo việc cho chủ nhà. Thậm chí, không ít chủ dịch vụ bạo tay cho chủ nhà ứng trước một số tiền nhất định.
Huỳnh Thủy
Theo Tiền Phong