Theo Sở Tài nguyên và môi trường, công suất xử lý rác thải có liên quan đến COVID-19 hiện nay trên địa bàn TP.HCM vào khoảng 49 tấn mỗi ngày.
Sáng 15-7, chúng tôi có mặt tại khu vực Bệnh viện dã chiến số 1 (trưng dụng ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM).
Thời điểm này, nhân viên Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị đang điều khiển xe cẩu để gom các túi rác tại các tòa nhà có F0 cách ly về điểm tập trung. Các nhân viên thu gom phải mặc đồ bảo hộ như nhân viên y tế, phun xịt khử khuẩn trước khi thu gom.
“Rác được thu gom là loại rác nguy hại nên phải xử lý đốt ngay tức thì chứ không xử lý theo quy trình chôn lấp thông thường được”, một nhân viên cho biết.
Kêu gọi hỗ trợ xử lý rác COVID-19
Bệnh viện dã chiến số 1 chỉ là một trong hàng chục bệnh viện điều trị, cách ly người nhiễm COVID-19 trên địa bàn thành phố và nằm trong số hơn 2.000 điểm phong tỏa khác ở các quận huyện phát sinh rác hằng ngày.
Theo Sở Tài nguyên và môi trường, công suất xử lý rác thải có liên quan đến COVID-19 hiện nay trên địa bàn TP.HCM khoảng 49 tấn/ngày. Trong đó, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM vận hành liên tục ba lò đốt gồm công trường Đông Thạnh công suất 21 tấn/ngày, lò đốt tại Bình Hưng Hòa công suất 7 tấn/ngày và chạy thử nghiệm một lò đốt công suất 14 tấn/ngày đang bị quá tải. Hiện thành phố đã vận động thêm Công ty cổ phần môi trường Việt Úc tham gia đốt rác với công suất khoảng 5 – 7 tấn/ngày.
Tuy nhiên trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thành phố sẽ còn phát sinh thêm nhiều điểm cần thu gom rác nguy hại. Vì vậy, Sở Tài nguyên và môi trường đã lên kịch bản xử lý khi lượng rác thải phát sinh.
Cụ thể, sở này kiến nghị Bộ Tài nguyên và môi trường, Tổng cục Môi trường kêu gọi thêm các đơn vị có lò đốt chất thải trên địa bàn thành phố tham gia hỗ trợ, tăng cường xử lý chất thải phát sinh do dịch COVID-19.
Theo đó, ba đơn vị được thành phố kêu gọi gồm Công ty cổ phần kho vận giao nhận ngoại thương Mộc An Châu – hiện đã đầu tư hai lò đốt chất thải công nghiệp, công suất 1.000 kg/giờ/lò; Công ty TNHH công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh với hai lò đốt công suất 1.000 kg/giờ/lò…
Xây dựng các kịch bản để chủ động
Trong giai đoạn tới, Sở Tài nguyên và môi trường đề nghị Công ty Môi trường đô thị vẫn là đơn vị chủ lực xử lý chất thải phát sinh do dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố. Đơn vị phải đảm bảo duy trì thực hiện công tác thu gom, vận chuyển xử lý rác thải tại các khu vực cách ly tập trung được thành phố thành lập.
Về vấn đề xử lý rác thải tại các điểm phong tỏa, khu cách ly, bệnh viện…, mới đây UBND TP.HCM chỉ đạo phải kịp thời, đúng quy trình. Sở Tài nguyên và môi trường được yêu cầu có thống kê, đánh giá, tham mưu giải pháp nhằm đảm bảo chất thải phát sinh trong các khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến được xử lý theo phương pháp an toàn.
Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP cũng được yêu cầu lên các giải pháp, kịch bản ứng phó trong tình hình hiện nay khi lượng rác thải y tế gia tăng. Cung cấp, cập nhật thường xuyên các địa điểm và khối lượng chất thải có liên quan dịch COVID-19 được thu gom và xử lý hằng ngày.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị cũng cho biết đã thành lập tổ kiểm tra, giám sát thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Tổ này có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát tình hình thu gom, xử lý rác tại các điểm cách ly. Đồng thời phải tổng hợp báo cáo cho giám đốc công ty và Sở Tài nguyên và môi trường theo quy định.
TP.HCM hiện có hơn 2.020 khu phong tỏa và khoảng 25 bệnh viện, khu cách ly điều trị COVID-19 với lượng rác thải y tế có yếu tố dịch tễ thải ra mỗi ngày rất lớn. Nếu không xử lý kịp thời có thể gây ảnh hưởng tới môi trường điều trị, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Theo Tuoitre