‘20.000 người biết vị trí lăng mộ của Thành Cát Tư Hãn’, nhưng vì sao mãi không tìm ra?

54
Tượng Thành Cát Tư Hãn - Ảnh: mini/ng

Thành Cát Tư Hãn thống nhất được đội quân Mông Cổ lập một đế chế khổng lồ, trải dài từ Thái Bình Dương đến Ukraine vào năm 1227. Các nhà sử học tiếp tục giải mã bí ẩn lăng mộ của vị lãnh đạo đầy sức hút này.

Ngày nay, Thành Cát Tư Hãn được nhiều người Mông Cổ tôn kính gần như một vị thánh. Vì thế, nhiều người ở Mông Cổ muốn lăng mộ của ông luôn là một huyền thoại đầy bí ẩn. Do đó, việc tìm ra vị trí lăng mộ của ông quả là khó khăn đối với các chuyên gia sử học, theo trang tin Live Science.

Phó giáo sư nhân chủng học William Honeychurch tại Đại học Yale (Mỹ) nói: “Ngôi mộ Thành Cát Tư Hãn rất quan trọng đối với người dân Mông Cổ”. Song ông từ chối suy đoán về nơi có thể đặt ngôi mộ.

Một khả năng là Thành Cát Tư Hãn được chôn cất tại tỉnh Khentii ở phía Đông Mông Cổ, nơi ông sinh ra. Bà Nancy Steinhardt, giáo sư nghệ thuật Đông Á tại Bảo tàng Penn của Đại học Pennsylvania (Mỹ), nói: “Tôi nghĩ rằng ngôi mộ nằm ở một vùng núi thuộc tỉnh Khentii. Tuy nhiên, tôi không nghĩ nó sẽ sớm được tìm thấy”.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng đến hình ảnh vệ tinh để tìm kiếm lăng mộ của ông. Cuộc khảo sát của vệ tinh đã xác định được nhiều di vật khảo cổ, nhưng không phải lăng mộ của Thành Cát Tư Hãn.

“Lịch sử bí mật của người Mông Cổ”, một ghi chép ẩn danh của người Mông Cổ có niên đại sau khi Thành Cát Tư Hãn qua đời, không đề cập đến lăng mộ của ông. Ghi chép chỉ nói rằng vào năm 1227, ông đã “lên thiên đàng”.

Tuy nhiên bản ghi chép này cho biết Thành Cát Tư Hãn coi núi Burkhan Khaldun ở tỉnh Khentii là một ngọn núi thiêng, khi nó – với địa thế hiểm trở, giúp ông trốn thoát những kẻ thù đang truy đuổi.

Bản ghi chép cũng trích dẫn câu nói của Thành Cát Tư Hãn: “Mỗi sáng tôi sẽ cầu nguyện cùng Burkhan Khaldun. Con cháu của tôi sẽ ghi nhớ điều này và làm như vậy”.

Mối thành kính mà Thành Cát Tư Hãn dành cho ngọn núi Burkhan Khaldun đã dẫn đến câu hỏi: Liệu ông có được chôn cất ở đó hay không? Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có ngôi mộ nào được tìm thấy ở khu vực ngọn núi trên.

Trong cuốn sách “Thành Cát Tư Hãn: Người chinh phục thế giới”, nhà sử học người Anh Frank McLynn viết khi Thành Cát Tư Hãn qua đời ở tuổi 67, ông và quân đội của ông đang chống lại một nhóm gọi là Tanguts ở phía Tây Bắc Trung Quốc, và điều này có thể gây khó khăn cho việc đưa thi hài ông về Mông Cổ.

Nhà thám hiểm người Ý Marco Polo (1254 – 1324), đã sống khoảng 17 năm ở Trung Quốc, cho biết trong cuốn sách “Những chuyến du hành của Marco Polo” như sau: “20.000 người biết về vị trí của lăng mộ Thành Cát Tư Hãn, nhưng họ luôn nỗ lực giữ bí mật về nó”.

Những câu chuyện của Marco Polo đã được một nhà văn tên là Rustichello da Pisa ghi lại trong một cuốn sách xuất bản vào khoảng năm 1300, song không rõ lời kể của Polo về lăng mộ của Thành Cát Tư Hãn có đúng hay không.

Theo Tuoitre