Theo nghị quyết 21 của Chính phủ, có khoảng 20 triệu người được ưu tiên tiêm miễn phí vắc xin ngừa COVID-19. Như vậy, phải tiêm xong đối tượng này mới triển khai tiêm dịch vụ.
Trong khi đó, chỉ riêng một đơn vị đã có khoảng 1 triệu khách hàng đăng ký chờ được tiêm dịch vụ.
Các nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin lần lượt như nhân viên y tế, người tham gia phòng chống dịch, lực lượng quân đội, công an, người sinh sống tại vùng có dịch, người nghèo, đối tượng chính sách xã hội, người làm việc trong các ngành tiếp xúc nhiều người như giáo viên, nhân viên thu tiền điện, nước…
Ưu tiên thêm công nhân
Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh phức tạp tại các khu công nghiệp, chính quyền đã bổ sung thêm nhóm ưu tiên được chích vắc xin là công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Một tỉ lệ đáng kể công nhân tại vùng dịch Bắc Giang, Bắc Ninh và TP.HCM đã được tiêm ngừa thời gian qua theo chính sách này.
Theo thống kê của ngành y tế, năm 2021 Việt Nam cần tiêm chủng vắc xin cho khoảng 70 triệu người từ 18 tuổi trở lên và đủ điều kiện tiêm ngừa COVID-19. Nếu tiêm đạt 70% số này (điều kiện đạt miễn dịch cộng đồng), thì số người được tiêm chủng là khoảng 70 triệu người.
Đây là con số rất lớn nếu so sánh với số được tiêm chủng tính đến 18-6 là trên 2,2 triệu người (tiêm 1 mũi), 106.000 người đã tiêm đủ 2 mũi. So sánh với số lượng vắc xin đã nhận được (tính cả 500.000 liều nhận được ngày 20-6) khoảng trên 4,2 triệu liều, số người cần tiêm và nhu cầu vắc xin ngừa COVID-19 thời gian tới là rất lớn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện nhiều tập đoàn, hiệp hội doanh nghiệp chia sẻ sẵn sàng dành chi phí chủng ngừa sớm cho cán bộ công nhân viên. Một doanh nghiệp dược trong nước cũng cho biết họ đã dành khoản kinh phí 10 tỉ đồng để tiêm ngừa cho toàn bộ cán bộ công nhân viên. Doanh nghiệp này cũng đã tìm được đơn vị có nguồn nhập để mua vắc xin sớm.
Chưa có chính sách tiêm dịch vụ
Nhu cầu tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại các doanh nghiệp và người dân hiện nay là rất cao. Tuy nhiên điểm khó khăn hiện nay là chưa có chính sách, lộ trình về việc mua vắc xin và tiêm ngừa cho các nhóm (ngoài nhóm ưu tiên), kể cả trường hợp doanh nghiệp, đơn vị có nguồn vắc xin và tự trả phí. Tại phiên họp thường trực Chính phủ diễn ra hôm 18-6, có ý kiến cho biết sau khi tiêm vắc xin cho nhóm ưu tiên xong mới xây dựng chính sách cho việc tiêm dịch vụ.
Điều này cho thấy nếu không sớm có “lực đẩy” về chính sách, Việt Nam vẫn sẽ triển khai tiêm lần lượt theo đối tượng ưu tiên rồi mới đến các nhóm kế tiếp.
Một chuyên gia trong ngành y tế cho rằng nếu cứ lần lượt tiêm vắc xin như dự kiến ở trên thì để đạt được 70% của 70 triệu người được tiêm phải cần thời gian rất dài. Điều này cũng khó cho việc đạt được miễn dịch cộng đồng, trở lại cuộc sống bình thường.
“Nên chăng, song song với việc tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 cho các đối tượng ưu tiên, chúng ta nên đồng thời mở rộng ra thêm các nhóm ưu tiên kế tiếp. Từ đó có chính sách huy động các nguồn lực, các thành phần cùng tham gia tìm nguồn vắc xin. Tuy nhiên việc tìm nguồn vắc xin COVID-19 cũng cần được giao “hạn mức” cho các doanh nghiệp để tránh tình trạng dư thừa khi vắc xin về dồn dập” – vị chuyên gia đề xuất thêm.
Ngoài ra, theo một số chuyên gia, nếu có chính sách tiêm vắc xin ngừa COVID-19 dịch vụ và có sự giám sát của Bộ Y tế, của Chính phủ sẽ san sẻ được gánh nặng cho cơ sở y tế công lập trong thời gian tới.
“Nhu cầu tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 hiện nay là cấp bách, nếu mở rộng các hình thức tổ chức tiêm sẽ dễ đạt mục tiêu tiêm chủng. Việc giao chiến dịch tiêm chủng này cho 63 tỉnh thành triển khai, Bộ Y tế giám sát sẽ tốt hơn nhiều so với hiện nay chỉ có Ban Chỉ đạo tiêm chủng quốc gia lo cho tất cả” – một chuyên gia khác trong ngành y tế bày tỏ.
Có chủ trương nhưng còn chờ
Đại diện Trung tâm tiêm chủng VNVC cho biết đến thời điểm này đơn vị có gần 1 triệu khách hàng là cá nhân hoặc doanh nghiệp đăng ký tiêm ngừa vắc xin phòng COVID-19. Những người này khi đăng ký ở hệ thống tiêm chủng VNVC tức là họ đã chọn tiêm ngừa vắc xin dịch vụ.
Ngay khi VNVC chưa công bố thời gian triển khai, giá tiền cho mỗi liều vắc xin là bao nhiêu đã có nhiều người đăng ký. Như vậy, có thể thấy nhu cầu chích ngừa vắc xin dịch vụ phòng COVID-19 là rất lớn.
Theo Tuoitre